Tuy nhiên, việc trở thành vendor vẫn còn gặp khó khăn khiến số lượng các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung vẫn khá khiêm tốn.
Samsung hiện có 08 nhà máy và 01 trung tâm nghiên cứu phát triển, trong đó 02 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên là 02 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên phạm vi toàn cầu. Với quy mô đầu tư hiện nay, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam là mong muốn rõ ràng của Samsung. Điều này, một mặt đảm bảo cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy ngành CNHT phát triển, nhưng mặt quan trọng hơn là giúp Samsung giảm giá thành nhập khẩu linh kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận. Tiêu chí tuyển chọn nhà cung cấp của Elentec và Samsung đưa ra là: Chất lượng - Giá cả - Thời gian.
Là một doanh nghiệp hợp tác với Samsung từ năm 2010, Goldsun hiện đang cung cấp khoảng 20% vỏ hộp điện thoại Samsung. Một chiếc vỏ điện thoại có giá khoảng 02 USD, tương ứng 0,2% giá trị chiếc điện thoại giá thành 1.000 USD khi bán ra. Với mức 0,2% giá trị và 20% thị phần, doanh nghiệp Việt đóng góp được 0,04% giá trị điện thoại. Sự đóng góp là rất nhỏ nhưng để chen chân vào chuỗi cung ứng của Samsung, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều công sức, chưa kể có thể bị thay thế bất cứ khi nào. Goldsun cho biết: Doanh nghiệp đang phải cạnh tranh với ít nhất 5 đơn vị cung ứng khác trong lĩnh vực này, bao gồm 01 doanh nghiệp nội địa và 04 doanh nghiệp ngoại.
Theo ông Kim Dong Hwan - Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam: Trong số các doanh nghiệp Việt đang tham gia cung ứng sản phẩm phụ trợ cho Samsung thì có một nửa là các công ty sản xuất bao bì, những sản phẩm phụ trợ đơn giản nhất trong chuỗi cung ứng phụ trợ của Samsung. Trong khi đó Samsung rất cần tìm các doanh nghiệp phụ trợ nội địa ở mảng kỹ thuật cao mà chưa có.
Để tăng số lượng các doanh nghiệp phụ trợ nội địa, cũng như thực hiện kêu gọi của Chính phủ trong hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, Samsung đã thực hiện nhận tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp phụ trợ nội địa (mỗi doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trong vòng 3 tháng) nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung. Đồng thời, để tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2020 lên mức cao hơn, Samsung đang cùng lúc triển khai nhiều giải pháp, cũng như tiếp tục xem xét khả năng hợp tác với nhiều doanh nghiệp tiềm năng khác, đặc biệt là những doanh nghiệp đã có thành tích tốt trong việc cải tiến quy trình sản xuất sau khi được hỗ trợ từ phía chuyên gia của Hàn Quốc. Trong khi đó, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1000 doanh nghiệp CNHT đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam và phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp vào năm 2030.
Bích Ngọc