Theo Bộ Công Thương, 70% DN CNHT ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế, phần lớn các DN vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ… Đây là những nguyên nhân khiến ngành CNHT của Việt Nam mãi vẫn khó tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù vậy, thời gian qua, vẫn có một số ít DN CNHT trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các DN đầu chuỗi lớn như Samsung, LG…
Đổi mới công nghệ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Điển hình có thể kể đến là Công ty TNHH 4P – DN nội địa đầu tiên cung cấp bản mạch điện tử cho LGE tại Việt Nam, đã đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt nhất của đối tác, từ quy trình quản lý, đến máy móc, con người, nhà xưởng… Tại tổ hợp công nghệ của LGE tại KCN Tràng Duệ, Công ty 4P là DN đầu tiên của Việt Nam được tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, trở thành một mắt xích quan trọng của tổ hợp này. Cùng với sự đầu tư của Tập đoàn LG vào KCN Tràng Duệ tại Hải Phòng, năm 2014, 4P đã thành lập Công ty CP 4P Electronics để thực hiện dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, bán thành phẩm, bản mạch điện tử (PCBA). Ông Hoàng Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty TNHH 4P cho biết, với dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử theo công nghệ dán, công nghệ mới nhất hiện nay, chúng tôi đã phải đầu tư hàng chục triệu USD để thay thế dây chuyền cũ. Vì là chuyên sản xuất bản mạch điện tử cho Tập đoàn LG, nên vài năm một lần, 4P lại phải đổi mới máy móc công nghệ, nhưng bù lại sản phẩm sản xuất ra được nhiều hơn, đầu ra quy mô lớn, thu hồi vốn nhanh. Còn với đối tác Samsung Việt Nam, họ rất khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, để trở thành nhà cung ứng cho Samsung, chúng tôi buộc phải cải tổ DN, chấp nhận những yêu cầu kỹ thuật, điều kiện làm việc, nhất là tiêu chuẩn “phòng sạch”. Bởi sử dụng đúng cách “phòng sạch” - một công đoạn trong quá trình sản xuất, mới có thể tránh được rủi ro cũng như các sự cố về chất lượng sản phẩm”.
Còn tại Công ty CP Nhựa Hà Nội - DN CNHT chuyên cung cấp linh kiện nhựa cho các DN lớn như Honda, Toyota, Samsung, Panasonic, LG, Daikin… Những năm gần đây, DN này liên tục tham gia các chương trình tư vấn hợp tác của các DN FDI, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng và giảm tỷ lệ lỗi trong quy trình sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, Nhựa Hà Nội và các thành viên là Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác và Chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC), Công ty TNHH An Trung Industries đã tham gia chương trình cải tiến của của Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam. Đặc biệt, VMC đã thực hiện nhiều nội dung cải tiến và tăng được 2 bậc cải thiện năng lực sản xuất. Hiện VMC là “cánh tay” đắc lực hỗ trợ cho Nhựa Hà Nội trong chiến lược tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Công ty này sở hữu hệ thống khuôn đồng bộ, hiện đại, có năng lực thiết kế và chế tạo các loại khuôn từ siêu chính xác đến các loại khuôn cỡ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô mà ít DN nào trong nước có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, một thành viên khác của Nhựa Hà Nội là Công ty TNHH An Trung Industries chuyên cung cấp các linh kiện điện – điện tử cho các FDI cũng có nhiều kế hoạch tăng trưởng mạnh. Năm 2022, Samsung, Foxconn, Sony, Brother... vẫn là các đối tác chính. Trong đó, Brother đã tăng cường đặt hàng thêm nhiều chi tiết mới, một số khách FDI khác cũng tiếp cận để đặt hàng tại DN này.
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Hà Nội cho biết: “Việc các DN FDI lớn tìm nguồn cung tại thị trường trong nước là cơ hội để DN nội tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị lớn. Tuy nhiên, để tiến được vào chuỗi cung ứng này, DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các mô hình sản xuất hiện đại và công nghệ tiên tiến trên thế giới”.
Với Công ty CP Công nghiệp JK Việt Nam – DN chuyên sản xuất các loại linh kiện cho ngành sản ô tô và điện tử, đòi hỏi độ chính xác cao. Để đáp ứng yêu cầu khách hàng, họ thường xuyên cập nhật công nghệ hiện đại nhất như những chiếc máy tiện CNC. Đặc biệt, DN luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cao, để có thể khai thác hiệu quả các công nghệ hiện đại.
Từ những ví dụ điển hình trên có thể thấy rằng, đổi mới công nghệ trong ngành CNHT chính là động lực thúc đẩy ngành này phát triển bền vững trong thời gian tới.
Làm thế nào để thúc đẩy DN CNHT đổi mới công nghệ?
Bài toán giúp DN CNHT tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là không có lời giải. Tuy nhiên, để thúc đẩy các DN tích cực hơn trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, cần thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ phía các cơ quan liên quan về vốn, về công nghệ…
Các DN đề xuất thành lập thêm các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp của từng vùng có thể nằm trực tiếp tại các tỉnh phát triển CNHT, để có thể hỗ trợ được nhiều DN hơn và kịp thời hơn. Đồng thời, các DN cũng mong muốn được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với những máy móc nhập khẩu phục vụ cho quá trình đổi mới công nghệ tại DN.
Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam Trương Thị Chí Bình cho rằng, cần tạo điều kiện cho các DN CNHT tiếp cận được nguồn tài chính với mức tín dụng ưu đãi hơn, có như vậy thì DN mới có thể đổi mới công nghệ, tăng năng suất, cải tiến chất lượng, làm các quy trình tiêu chuẩn mới được.
Giám đốc Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc Byun Ki Jung cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ vốn, chi phí đầu tư, mặt bằng cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, cần có những chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo chi phí nghiên cứu. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần tăng cường sự ổn định cung cấp nguyên vật liệu nội địa, mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng mô hình hợp tác toàn cầu và hỗ trợ tạo ra khu phức hợp chuyên biệt cho CNHT.
Minh Vũ