Thứ Sáu, 22/11/2024 02:40:44 GMT+7
Lượt xem: 3663

Tin đăng lúc 10-09-2019

Đòn bẩy công nghiệp hỗ trợ ôtô nằm ở đâu?

Khả năng gia nhập thị trường còn yếu, chưa có kinh nghiệm và các chính sách cụ thể nên công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho sản xuất ôtô còn nhiều khó khăn.
Đòn bẩy công nghiệp hỗ trợ ôtô nằm ở đâu?
Hiện chưa có nhà máy nào đầu tư vào chế tạo các bộ phận quan trọng của ôtô

Năng lực còn hạn chế

 

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có tới 90% các nhà cung cấp linh kiện ôtô tại Việt Nam là các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ có rất ít DN CNHT trong nước tham gia mạng lưới cung ứng cho sản xuất, lắp ráp ôtô. Dù có quy mô sản xuất khá lớn, nhưng hiện nay ngành CNHT trong nước vẫn chưa có nhà máy nào đầu tư vào chế tạo các bộ phận quan trọng của ôtô; chất lượng sản phẩm, phụ tùng linh kiện ôtô cung cấp trên thị trường kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, giá thành xuất xưởng của các sản phẩm phụ tùng, linh kiện ôtô còn cao vì thế làm giảm sức cạnh tranh.

 

Thời gian qua, DN CNHT ngành sản xuất ôtô phát triển chủ yếu theo ngành dọc, bó hẹp trong quan hệ liên kết đầu tư và cung ứng sản phẩm; phần lớn chỉ phục vụ các công ty lắp ráp tại thị trường nội địa, xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn do chênh lệch chất lượng sản phẩm cũng như yêu cầu, tiêu chuẩn của các công ty nước ngoài còn khá cao.

 

Hiệp hội CNHT Việt Nam cho rằng, năng lực khoa học - công nghệ của các DN Việt yếu kém; quan hệ giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện còn thiếu liên kết; chi phí sản xuất linh kiện ôtô của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

 

Dẫn dắt ngành CNHT phát triển

 

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành CNHT trong nước nói chung và công nghiệp ôtô nói riêng. Đặc biệt là Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành CNHT cho sản xuất ôtô. Phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng sản xuất lắp ráp ôtô trong nước.

 

Hiện nay, một tín hiệu đáng mừng là một số DN chủ động đầu tư dây chuyền, máy móc công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết về ôtô. Đã có những DN CNHT đầu tư công nghệ tiên tiến tạo ra một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất lắp ráp ôtô trong nước và xuất khẩu.

 

Là DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ôtô, đại diện Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) cho biết, để chủ động linh kiện cho sản xuất, hiện tại công ty đã có khu phức hợp sản xuất, lắp ráp xe ôtô; có 13 nhà máy CNHT, ngoài cung cấp cho Thaco, còn có thể cung cấp cho các DN trong nước.

 

Nhà sản xuất ôtô mới nổi trên thị trường Việt Nam là Vinfast (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng đang tập trung xây dựng một tổ hợp sản xuất CNHT, thu hút các tập đoàn công nghiệp hàng đầu trên thế giới cho tới những DN vừa và nhỏ chuyên về sản xuất CNHT.

 

Mục tiêu của Vingroup là tạo chuỗi cung ứng đồng bộ nhằm phát triển mạnh ngành công nghiệp ôtô trở thành lĩnh vực dẫn dắt phát triển công nghiệp trong nước.

 

"Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, sẵn sàng ký kết nhiều liên doanh và hợp tác với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cũng như trong nước để thành lập liên doanh sản xuất, trong đó đặc biệt ưu tiên các nhà sản xuất đã có mặt tại Việt Nam và các DN CNHT của Việt Nam", ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách Vinfast - nhấn mạnh.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, các DN CNHT trong nước cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa; tăng cường liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Theo Cục Công nghiệp, cần nghiên cứu, tiến tới xây dựng Luật CNHT nhằm phát triển ngành CNHT nói chung và CNHT cho sản xuất ôtô nói riêng.

 

Theo congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang