Ông Tetsuji Kobayashi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kobe En&M Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các cấu kiện kim loại nên thường xuyên nhập khẩu số lượng lớn sắt thép từ các nước, do đó rất muốn tìm nguyên liệu trong nước để bớt nhập khẩu. Các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai và những tỉnh, thành khác đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, công ty sẵn sàng hợp tác để mua hàng”.
Đây cũng là mong muốn của nhiều DN FDI tại Đồng Nai trong bối cảnh thời gian vận chuyển hàng hóa trên thế giới tăng gấp đôi, chi phí vận chuyển tăng 3-4 lần, việc đi lại giữa các nước để kiểm tra hàng hóa trước khi mua khó khăn thì việc tìm được nhà cung ứng trong nước sẽ giúp DN chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, giảm được nhiều thời gian chờ đợi và chi phí vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về.
Là địa phương thu hút đông đảo DN Nhật Bản đầu tư sản xuất, kinh doanh, những năm qua, hoạt động hợp tác giữa Đồng Nai và Nhật Bản, nhất là về kinh tế, đang được đẩy mạnh. Nhu cầu về linh kiện, sản phẩm trong nước từ DN Nhật là cơ hội để các DN CNHT Việt Nam gia tăng cung ứng hàng hóa, sản phẩm. Để thúc đẩy hợp tác, hàng chục DN Nhật Bản và Việt Nam đã được Đồng Nai khảo sát, nắm bắt nhu cầu, năng lực, từ đó có giải pháp hỗ trợ, tạo cơ hội kết nối giữa các bên.
Công ty TNHH Cơ khí chính xác Đức Khang Phát (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) được thành lập vào tháng 7/2017, có các đối tác là công ty Nhật Bản về sản phẩm nhựa, linh kiện xe hơi, đồ dùng điện công nghiệp, dân dụng. DN này đang từng bước trở thành một trong những công ty gia công cơ khí chính xác uy tín tại Việt Nam. Đội ngũ điều hành được làm việc, đào tạo tại các công ty Nhật Bản về kỹ thuật và học hỏi được quy trình làm việc theo chuẩn Nhật. Nguồn khách hàng từ công ty Nhật Bản chiếm tới 90% doanh thu hằng năm, 10% còn lại thuộc về các công ty khác và có sự tăng trưởng từ 20-30% mỗi năm.
Trong đại dịch Covid-19, Công ty vẫn đảm bảo được quy trình cũng như thời gian báo giá từ 2-24 giờ và giao hàng từ 1-30 ngày. Công ty đang trong quá trình đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất để mang đến những sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các khách hàng tại Việt Nam và Nhật Bản.
Theo đại diện một số DN tại Đồng Nai, từ sự tín nhiệm của khách hàng và tiếp tục giới thiệu cho bạn bè của họ nên cơ hội bán hàng cho DN FDI và xuất khẩu ngày càng rộng mở. Các DN cũng tiếp tục nỗ lực để có thể đáp ứng các nhu cầu của khách hàng thông qua máy móc, trang thiết bị tốt và đội ngũ nhân lực tại chỗ có tay nghề cao. Sản phẩm có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng, nhưng so với sự cạnh tranh trên thị trường và so với hàng ngoại nhập thì tiềm lực DN trong nước vẫn còn hạn chế. Để khắc phục khó khăn, nhất là về công nghệ, thông tin, sự kết nối bạn hàng, DN rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.
Hiểu được mong muốn của các DN, thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực hỗ trợ kết nối cung – cầu cho các DN CNHT. Đơn cử, tháng 4/2021, Đồng Nai và Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI - Kansai) đã ký kết hợp tác với các nội dung phát triển ngành CNHT, đào tạo và cung cấp nhân lực, lĩnh vực môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Cụ thể hóa những nội dung hợp đã ký kết, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM thực hiện khảo sát hội viên trong tháng 5. Qua đó, nhiều DN Nhật Bản đang cần tìm nhà cung cấp cho nhiều lĩnh vực/sản phẩm như: gia công và sửa chữa khuôn nhựa, phụ kiện khuôn, xử lý bề mặt, gia công kim loại, bao đóng gói sản phẩm, gia công cơ khí, linh phụ kiện điện - điện tử, mạ kẽm nhúng nóng…
Từ nhu cầu nói trên, Tổ Điều phối viên xúc tiến phát triển CNHT Đồng Nai đã thống nhất lựa chọn 40 DN có vốn đầu tư trong nước và 10 DN Nhật Bản để triển khai khảo sát từ tháng 7 đến tháng 9/2021. Thông qua khảo sát sẽ lựa chọn các DN nội có thể cung ứng linh kiện/sản phẩm cho đối tác Nhật Bản để mời tham gia hội nghị giao thương DN Việt - Nhật được tổ chức trong thời gian tới.
Đồng Nai hiện có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, với hơn 1,7 ngàn dự án thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó lĩnh vực CNHT chiếm hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng của ngành CNHT đã vào được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc. Vì vậy, sản phẩm có chất lượng, số lượng đủ khả năng cung ứng cho các DN FDI, DN vốn đầu tư trong nước tại Việt Nam. Vấn đề còn lại là khâu kết nối để bên mua và bên bán gặp nhau. Các DN có thể chủ động thông qua các hiệp hội làm cầu nối gặp gỡ, tiếp cận với khách hàng. |
Lê Minh