Toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 không cho phép chúng ta tiếp tục có những độ trễ lâu hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, trong đó vai trò của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ là nền tảng thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ với Thời báo Ngân hàng.
Xin Bộ trưởng cho biết một cách khái quát nhất về thực trạng phát triển CNHT của Việt Nam hiện nay?
Theo đánh giá của Bộ Công thương, dù năng lực sản xuất các sản phẩm hỗ trợ trong nước trong những năm vừa qua đã dần được cải thiện, nhưng khả năng cung ứng thực tế vẫn còn nhiều bất cập; nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn; tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp rất thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do nguồn lực đầu tư cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước cho các ngành công nghiệp ưu tiên, CNHT quá ít ỏi, chưa đủ mạnh và hiệu quả, chưa tương xứng với quy mô và vai trò vốn có. Mặt khác, các chính sách phát triển CNHT còn chậm ban hành và thiếu đồng bộ, nhất quán.
Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về CNHT yếu, sự phối hợp chính sách giữa Trung ương và địa phương chưa hiệu quả. Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm và đầu tư cho phát triển CNHT, khiến các chính sách hỗ trợ và ưu đãi do Trung ương đề ra không được địa phương thực hiện đúng...
Thưa Bộ trưởng, tại sao bộ lại chọn CNHT là điểm đột phá trong giai đoạn này?
Chúng ta biết rằng CNHT là ngành công nghiệp nền tảng để tạo ra những giá trị gia tăng, tạo ra năng lực cạnh tranh có hiệu quả cho các ngành công nghiệp cũng như các sản phẩm công nghiệp và của nền kinh tế. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới, chúng ta phải đối mặt với cạnh tranh và những cơ hội trong chuỗi giá trị của toàn cầu.
Chúng ta phát triển CNHT với mong muốn làm sao mang lại những giá trị gia tăng cao hơn, sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp của Việt Nam cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong các giai đoạn, Việt Nam đã có những chính sách tương đối cụ thể nhưng mục tiêu vẫn còn rất xa. Việt Nam chưa đạt được như yêu cầu đặt ra cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như là cụ thể trong quá trình CNHT.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, với độ mở của nền kinh tế rất lớn. Điều đó có nghĩa rằng, những sản phẩm của Việt Nam tham gia vào trong chuỗi giá trị sẽ phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh của các quốc gia, các nền kinh tế khác.
Đặc biệt, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 không cho phép chúng ta tiếp tục có những độ trễ lâu hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, trong đó vai trò của CNHT sẽ là nền tảng thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.
Vậy, làm thế nào để các DN trong nước có thể tận dụng được các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT chứ không phải chỉ có các DN FDI như bây giờ?
Đây là câu hỏi chứa đựng những nội dung rất lớn trong hàng loạt vấn đề trong các chính sách của Nhà nước, trong hàng loạt lĩnh vực từ hội nhập cho đến phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng của Việt Nam, trong đó có cả ngành công nghiệp, xây dựng và các ngành kinh tế khác. Nó cũng liên quan đến hàng loạt vấn đề về cam kết hội nhập cũng như những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, tựu trung lại chúng ta có thể thấy rằng, phát triển CNHT là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Những vấn đề lớn sẽ tập trung vào cơ chế chính sách của Nhà nước để tạo ra những điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho cộng đồng DN, nhất là DN Việt Nam chủ yếu là DNNVV, hạn chế về quy mô trong lĩnh vực về năng lực công nghệ, năng lực của nguồn nhân lực cũng như năng lực về điều kiện tín dụng và năng lực tiếp cận thị trường; rất cần những khung khổ chính sách và cơ chế cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ cho DN, tiếp cận được với thị trường của CNHT.
Bên cạnh đó là sự phối hợp tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng. Chúng ta có rất nhiều khung khổ chính sách. Ví dụ như Nghị định 111 về phát triển CNHT hay Luật Hỗ trợ DNNVV… nhưng khi tổ chức thực hiện lại vướng mắc rất nhiều trong vai trò của các bộ, ngành trong tổ chức thực hiện.
Chưa kể đến câu chuyện rất cần sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quá trình phát triển, đảm bảo CNHT phát triển bền vững trên cơ sở chấp hành đúng pháp luật, kể cả về vấn đề bảo vệ môi trường nhưng phải tạo ra được những bước đột biến và với vai trò của chính quyền địa phương trong thu hút, tạo điều kiện cho các DN CNHT phát triển.
Cuối cùng, chúng ta rất cần quan điểm tổng thể, toàn diện vì đây không phải đơn thuần chỉ là vấn đề CNHT mà CNHT sẽ phải được nhìn vào trong tổng thể vấn đề tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu lại các ngành công nghiệp thương mại. Bởi vì, nếu chúng ta không có những chủ trương lớn trong tái cơ cấu kinh tế thì CNHT cũng không thể đơn lẻ phát triển được.
Phát triển rộng thì khó sâu và sẽ khó có được hiệu quả. Thời gian tới, Bộ Công thương định hướng sẽ tập trung trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực nào?
Trước hết, chúng ta phải thống nhất một số nhiệm vụ và giải pháp ưu tiên mà các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện để tạo ra vai trò bà đỡ có hiệu quả cho cộng đồng DN nhất là DNNVV trong lĩnh vực CNHT.
Một là hoàn thiện về mặt thể chế bao gồm khung khổ pháp luật chính sách phải đồng bộ, toàn diện. Hai là, quan điểm chỉ đạo phải xuyên suốt, thống nhất có cách tổ chức phối hợp cũng mang tính thể chế từ trên xuống dưới, có sự xuyên suốt và kiên nhẫn trong các biện pháp tổ chức thực hiện. Ba là phải có những biện pháp đảm bảo sự kiểm tra, giám sát để đôn đốc, tổ chức thực hiện. Bốn là, sự hưởng ứng của cộng đồng DN và xã hội nói chung là vô cùng quan trọng.
Vì vậy, công tác tuyên truyền, tổ chức rất quan trọng, nhất là trong việc lồng ghép các khung khổ hội nhập và chương trình thực thi các khung khổ hội nhập của Việt Nam.
Một số ngành chúng tôi đã xác định rất rõ, được sự đồng ý của Chính phủ. Ví dụ, ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giày, ngành năng lượng... Đây đều là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế. Và chúng tôi đang phấn đấu để xây dựng được những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cho CNHT, trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn Thời báo Ngân hàng