Giai đoạn 2015-2020 giá trị sản xuất CN tại Hà Nam có mức tăng trưởng cao bình quân đạt 14,4%. Trong đó, ngành CNHT chiếm tỷ trọng 26% giá trị sản xuất CN toàn tỉnh; CN chế biến chiếm tỷ trọng 15,7% giá trị sản xuất CN toàn tỉnh; CN chế tạo, lắp ráp chiếm tỷ trọng 18,25% giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. Quy mô sản xuất không ngừng được mở rộng, dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị ngày càng hiện đại, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng cao. Các sản phẩm CNHT, chế biến, chế tạo, lắp ráp có mức tăng trưởng khá như: Thiết bị điện, điện tử tăng bình quân 24,4%; nước giải khát tăng 12,3%; xe gắn máy tăng 19,4%,...
Thời gian qua, xác định CNHT là nền tảng phát triển cho tất cả các ngành công nghiệp khác, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện các chính sách về phát triển CNHT: Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 08/4/2016 về đẩy mạnh phát triển CNHT, chế biến, chế tạo tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025; Kế hoạch số 990/KH-UBND ngày 12/5/2016 thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển CNHT, chế biến, chế tạo tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025; Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 về phê duyệt đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030…
Nhờ đó, hoạt động công nghiệp nói chung, CNHT, chế biến, chế tạo nói riêng và thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, tác động tích cực đến việc hình thành các khu đô thị, dịch vụ thương mại, các khu - cụm công nghiệp, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi; kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển.
Tính đến năm 2020, quy mô CN của tỉnh Hà Nam đạt 134.013 tỷ đồng; tỷ trọng các ngành CNHT, chế biến, chế tạo lần lượt là 25%, 17,5% và 18,6%. Nhờ có những chính sách tích cực, số lượng dự án thu hút đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng, lũy kế đến 31/12/2020, tỉnh Hà Nam có 1.027 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 4.337 triệu USD và 139.048,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển CNHT, tỉnh đã thực hiện một số giải pháp như cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, trong đó thu hút có chọn lọc các dự án CN công nghệ cao, CNHT, chế biến, chế tạo theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Tỉnh cũng đã ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư và thường xuyên tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư tại Hà Nam thông qua việc hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là đầu tư về lĩnh vực CN hỗ trợ, chế biến, chế tạo với công nghệ hiện đại.
Các cơ chế, chính sách thường xuyên được rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng ưu đãi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển.
Trung tâm khu CNHT Đồng Văn III
Hiện nay, Hà Nam cũng đang tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng đồng bộ, hiện đại các khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp Đồng Văn III chuyên sâu CNHT, nhằm đón bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cùng với đó, tỉnh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hạ tầng xây dựng nhà xưởng có diện tích phù hợp với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu thuê mặt bằng để sản xuất CNHT, chế biến, chế tạo với công nghệ tiên tiến, phù hợp với định hướng phát triển CN của tỉnh.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành CNHT, phát triển cụm liên kết ngành góp phần thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để cung ứng các sản phẩm CN hỗ trợ, sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp của tỉnh trên thị trường; nâng cao chất lượng công tác thống kê, thông tin, báo cáo bảo đảm công khai, chính xác, kịp thời về tình hình sản xuất, kinh doanh và các chính sách của Nhà nước, của tỉnh để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận phục vụ sản xuất, kinh doanh phát triển.
Xây dựng, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực CNHT, chế biến, chế tạo có trình độ, kỹ năng, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp của tỉnh về đào tạo lao động.
Ngoài ra, tỉnh cũng duy trì, thực hiện nghiêm cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh phát triển bền vững. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành CN ưu tiên và ngành CNHT, chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến với thủ tục thuận lợi, để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị sản xuất CNHT đạt trên 51.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản về CNHT cho các DN; rà soát nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Chính phủ, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách riêng của tỉnh đối với CNHT nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thúc đẩy phát triển DN sản xuất CNHT. Đồng thời, nghiên cứu, đưa ra những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN phát triển CNHT, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; tổ chức tốt công tác xúc tiến đầu tư để chọn được nhà đầu tư CNHT có chất lượng, hiệu quả.
Huyền My