Ngành công nghiệp (CN) chủ lực chiếm ưu thế
Trong thời gian qua, sản phẩm CN chủ lực của TP. Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế Thủ đô. Các DN sản xuất sản phẩm CN chủ lực luôn năng động, sáng tạo, đổi mới công nghệ để sản phẩm thâm nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ năm 2018 đến 2023, UBND TP. Hà Nội đã công nhận 229 sản phẩm của 156 DN đạt danh hiệu sản phẩm CN chủ lực Thủ đô. Đây là các DN có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Đánh giá về tầm quan trọng của các DN sản xuất sản phẩm CN chủ lực trên địa bàn thành phố, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, chương trình phát triển sản phẩm CN chủ lực được TP đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhằm thúc đẩy phát triển ngành CN xứng tầm với vai trò, vị trí trung tâm, đầu tàu kinh tế của Thủ đô. Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi năm các DN sản xuất sản phẩm CN chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất CN thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD; tạo việc làm cho gần 80.000 lao động.
Để giúp DN phát triển sản phẩm CN chủ lực, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm CN chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Hà Nội. Trong đó nêu rõ tất cả các DN sản xuất sản phẩm CN chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ tăng cường hỗ trợ CN xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cải tiến mẫu mã. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp CN tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Gia tăng kết nối các DN CNHT
Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng hơn 900 DN CNHT, với trên 320 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Hà Nội xác định phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa. Đây là động lực để các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Hiệp hội DN CNHT Hà Nội đã nỗ lực hợp tác với các DN, các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc hình thành nên những tổ hợp sản xuất trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội xác định phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững
Năm 2023, các DN trong Hiệp hội hầu hết đã vượt qua được khó khăn trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và mất đi bạn hàng, nhờ tham gia các Hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại rất quy mô trong nước thông qua sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội; các DN thành viên Hiệp hội đã tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng sáng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực sản xuất CN chế tạo, CNHT của Việt Nam nói riêng. Nhờ đó, các DN CNHT trên địa bàn Thành phố liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành Dệt may - Da giày; sản phẩm cho CN công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực CN chế tạo. Trong đó, sản xuất linh kiện, phụ tùng là nhóm chủ chốt, cung cấp sản phẩm CNHT cho hầu hết các ngành CN chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử. Đặc biệt, nhiều DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT
Nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT, vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển CNHT TP Hà Nội năm 2024.
Để đạt mục tiêu đến năm 2024, có khoảng 1.000 DN hoạt động trong các lĩnh vực CNHT, thành phố sẽ đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ DN CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Cùng với đó sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ DN CNHT Hà Nội triển khai mô hình nhà máy thông minh; kết nối, hỗ trợ DN CNHT nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Thành phố sẽ giao các sở, ngành tổ chức 2 Hội chợ, triển lãm chuyên ngành về CNHT trong năm 2024, có sự tham gia của các DN nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan,...), tạo môi trường tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các DN nhằm sản xuất chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện...
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp (ISO: 45001:2018) cho các DN CNHT; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm CNHT cho các DN CNHT tại Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm.
Trường An