Thứ Sáu, 22/11/2024 16:43:19 GMT+7
Lượt xem: 4218

Tin đăng lúc 01-06-2018

Hà Nội: Giải quyết bài toán thiếu lao động tay nghề cao tại các làng nghề

Theo Kế hoạch số 76/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về hoạt động phát triển nghề, làng nghề TP. Hà Nội năm 2018, để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề phát triển, thành phố sẽ đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn; hỗ trợ cho 40 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn truyền nghề, nhân cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 LĐ nông thôn, tập huấn nâng cao năng lực quản trị DN cho khoảng 1.500 lượt cán bộ quản lý DN, chủ cơ sở sản xuất CNNT theo chương trình khuyến công TP.Hà Nội.
Hà Nội: Giải quyết bài toán thiếu lao động tay nghề cao tại các làng nghề
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh cũng đang phải đối mặt với thực trạng thiếu LĐ kế cận lành nghề

Thực trạng lao động tại các làng nghề

 

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, hiện nay, Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề của cả nước, với khoảng 176.000 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 740.000 LĐ tại cơ sở.  Nhiều làng nghề như sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, dệt lụa… vẫn giữ được tốc độ phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề cũng đang phải đối mặt thực trạng thiếu thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo, dẫn đến sản phẩm chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Nguyên nhân là do nhiều LĐ có tay nghề không còn thiết tha với nghề mà có xu hướng chuyển sang làm ở lĩnh vực khác với mức thu nhập và các chế độ khác đảm bảo hơn. Bên cạnh đó, việc truyền nghề cho lớp trẻ ở các làng nghề cũng chưa được chú trọng đúng mức, không có giáo trình biên soạn cụ thể, chủ yếu dạy theo kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp ngắn ngày cho con em trong địa phương nên nhu cầu học và theo được với nghề là rất thấp. Nhiều con em lao động trong các làng nghề sau khi học hết THPT đều có xu hướng thi vào các trường đại học, cao đẳng, chứ không lựa chọn các trường dạy nghề…. Những điều này khiến các làng nghề đứng trước nguy cơ chỉ có thể duy trì chứ không thể phát triển.

 

Chia sẻ về vấn đề này, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang - Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang (thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết, hiện làng nghề Phú Vinh vốn nổi tiếng cả nước với nghề mây tre đan truyền thống, đang phải đối mặt với thực trạng không phát triển được vì thiếu đội ngũ LĐ kế cận lành nghề. Do không có nhiều thợ tay nghề cao, có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm, nên các hộ sản xuất thường chỉ làm theo mẫu có sẵn khiến cho hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao và khắt khe.

 

Giải quyết bài toán khó về lao động làng nghề

 

Nhằm hỗ trợ các làng nghề phát triển, những năm qua, TP. Hà Nội đã có nhiều chính sách như quy hoạch các làng nghề, những chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, tổ chức các hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm làng nghề… Đặc biệt, công tác đào tạo nghề được thành phố đặc biệt quan tâm. 

 

Để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các DN làng nghề phát triển, theo kế hoạch, năm 2018, TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí cho 14 cơ sở có dự án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ 10 - 12 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu; 20 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuộc các làng nghề Hà Nội thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu...

 

Có thể nói, làng nghề truyền thống là nét đẹp văn hóa của nhiều vùng quê, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để làng nghề truyền thống phát triển bền vững thì cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là trong công tác đào tạo nhân lực cho các làng nghề./.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang