Thứ Sáu, 22/11/2024 04:58:25 GMT+7
Lượt xem: 1389

Tin đăng lúc 05-10-2020

Hà Nội: Khuyến công đem lại “luồng sinh khí” mới giúp các doanh nghiệp phát triển

Sau 5 năm triển khai chương trình khuyến công (2016 – 2020) tại TP Hà Nội, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy hiệu quả, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) giúp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Hà Nội:  Khuyến công đem lại “luồng sinh khí” mới giúp các doanh nghiệp phát triển
Khuyến công Hà Nội tập trung đào tạo nghề, truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn

Giai đoạn 2016 – 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công, Thành phố đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường.

 

Cùng với đó, chương trình đã tổ chức 274 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 9.590 lao động nông thôn, trên 80% số lao động sau đào tạo có việc làm; tổ chức 72 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính cho 7.200 lượt lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở CNNT… Đặc biệt, chương trình đã tổ chức thành công 5 hội chợ xuất khẩu chuyên ngành thủ công mỹ nghệ với giá trị giao dịch lên tới gần 30 triệu USD…

 

Chia sẻ về hiệu quả chương trình khuyến công của TP Hà Nội đem lại cho doanh nghiệp mình, ông Ðặng Cao Năm, chủ doanh nghiệp Năm Lan (làng nghề kim khí Phùng Xá, huyện Thạch Thất) cho biết, sau khi tham gia lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp do Trung tâm Khuyến công tổ chức, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đã nắm bắt được kế hoạch phát triển công nghiệp của thành phố để định hướng sản xuất; đồng thời được hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị, quảng bá sản phẩm. Đây là những vấn đề cơ sở sản xuất làng nghề còn thiếu và yếu.

 

Trong năm 2020, khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng các giải pháp cải thiện môi trường làm việc và sản xuất sạch hơn. Bên cạnh đó sẽ kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố với các đối tác trong và ngoài nước.

 

Theo ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP Hà Nội cho biết: Giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở CNNT được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5% - 8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025... 

 

Thời gian tới, để chương trình khuyến công tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, việc truyền nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các cơ sở CNNT sẽ gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ của các cơ sở sản xuất CNNT và hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành nhằm quảng bá giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm cho các cơ sở CNNT. Cùng với đó sẽ ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường.

 

Bảo Kiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang