Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 1.000 DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang hoạt động, tập trung vào ba lĩnh vực: Sản xuất linh kiện điện - điện tử, linh kiện lắp ráp ô tô và linh kiện cơ khí chế tạo; phục vụ ngành dệt may, da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong năm 2020 khiến ngành CNHT của Hà Nội gặp nhiều thách thức. Dù vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) vẫn giữ được mức tăng trưởng 4%, trong đó CNHT đóng vai trò cung cấp linh kiện, phụ tùng, vật liệu… cho công nghiệp CBCT.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, ngành CNHT của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng DN tham gia vào mạng lưới sản xuất còn rất ít, hầu hết các linh kiện, phụ tùng quan trọng cho sản phẩm công nghiệp vẫn phải nhập khẩu, phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Trên thực tế phần lớn DN CNHT của Hà Nội còn có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư hạn chế. Sản phẩm làm ra đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, chỉ có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Bởi thế, các sản phẩm CNHT này vẫn chưa tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Trợ giúp DN CNHT nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực trở thành một nhiệm vụ bức thiết của Hà Nội trong giai đoạn tới. Thành phố cũng đã triển khai nhiều hoạt động như kết nối với khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu… Song mức độ các DN được tiếp cận ưu đãi nhìn chung còn hạn chế. DN cũng thiếu thông tin và tiêu chí đánh giá cụ thể. Đặc biệt, tại Hà Nội, chi phí tiền thuê đất, giá thành lao động và các dịch vụ khác lại cao hơn nhiều tỉnh, thành lân cận, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng đầu tư và cạnh tranh của DN.
Gốm sứ Viglacera được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội
Năm 2021, Hà Nội phấn đấu có khoảng 300 DN CNHT có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển CNHT tăng trên 11%.
Để thực hiện được mục tiêu đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Dự kiến, thành phố sẽ tổ chức một hội chợ với quy mô khoảng 250 gian hàng của các DN CNHT nhằm kết nối với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… theo cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức các đoàn công tác theo dõi hoạt động của DN trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Trong 5 năm tới, theo định hướng, Hà Nội sẽ hình thành mạng lưới CNHT với nhiều lớp cung ứng, trước mắt là đẩy mạnh liên kết - cung ứng trong Vùng Thủ đô, đặc biệt trong một số lĩnh vực đã phát triển như: Sản xuất ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo; điện thoại di động...
Một trong những ưu tiên lớn của Hà Nội trong giai đoạn 2021 – 2025 là tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Riêng trong năm 2021, thành phố đặt ra mục tiêu thu hút sự tham gia của 20 - 25 doanh nghiệp với 25 - 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực. Phấn đấu 100% các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố; giá trị sản xuất của các DN có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố tăng 10 - 12% so với năm 2020, đóng góp 35 - 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố.
Ông Đàm Tiến Thắng cho hay: “Thành phố ưu tiên phát triển CNHT và xem đó là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp Hà Nội. Trước dự báo làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á, DN CNHT Hà Nội cần nhanh chóng đón đầu cơ hội, sẵn sàng kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường bằng năng lực của mình”.
Lê Phương