Thứ Bẩy, 23/11/2024 14:19:30 GMT+7
Lượt xem: 1239

Tin đăng lúc 18-02-2022

Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đây là khẳng định của đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội trong buổi làm việc với Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Hà Nội vào ngày 17/2 vừa qua.
Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ
Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã phê duyệt Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu là tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất CNHT trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời tạo dựng và nâng cao năng lực hệ thống doanh nghiệp, góp phần hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết của các doanh nghiệp được hỗ trợ với hệ thống các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước cũng như từng bước tiến tới xuất khẩu.

 

Thời gian qua, bên cạnh việc phối hợp với Cục Công nghiệp xây dựng Đề án “Tổ chức Chương trình đào tạo tư vấn, hỗ trợ quy trình 5S3D cho các doanh nghiệp CNHT ngành cơ khí, điện - điện tử”, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã phối hợp với Tập đoàn NC Network (Nhật Bản), ReedTradex (Thái Lan) hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí CNHT trên địa bàn thành phố tham gia Hội chợ chuyên ngành về CNHT, chế tạo tại Hà Nội 2017, 2018; Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2019 tại Hà Nội; Hội chợ CNHT Hà Nội năm 2020…

 

Năm 2022, UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2022 có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hằng năm tăng trên 11%...

 

 “Với lợi thế về công nghệ và con người, trong năm 2022, Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu, làm điểm để rút ra những bài học thành công và chưa thành công áp dụng cho các địa phương khác”, ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại như một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, CNHT tại địa phương chưa được hoàn thiện, nhất là các chính sách tín dụng, quy chế thực hiện Chương trình,… đặc biệt là thiếu nhân lực quản lý nhà nước về công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, quản lý, điều hành việc triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô còn thiếu; quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, khả năng nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm còn hạn chế,…

 

Do đó, để tạo điều kiện cho CNHT của Hà Nội phát triển, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Hà Nội về kỹ thuật và nguồn lực để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp bền vững, phát triển hơn. Đồng thời, xây dựng Chương trình Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên TP.Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

 

Sau khi nghe ý kiến trao đổi của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng, Hà Nội cần có các giải pháp toàn diện để giải quyết bài toán gốc là nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp về khoa học công nghệ và tài chính, tăng cường hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đa quốc gia. Sở Công Thương Hà Nội cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn cải tiến quy trình quản trị sản xuất, chuyển đổi số; tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến chế tạo; tăng cường kết nối doanh nghiệp CNHT với các doanh nghiệp sản xuất hoàn chỉnh cũng như các chính sách hỗ trợ về tín dụng từ nguồn ngân sách địa phương.

 

Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP, trong đó sẽ có những chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động công nghiệp. Đây sẽ là hành lang pháp lý để Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước có cơ sở xây dựng nhiều chương trình, đề án hơn trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Anh thông tin thêm.

 

PV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang