Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:31:33 GMT+7
Lượt xem: 1647

Tin đăng lúc 12-10-2022

Hà Nội với nhiều hoạt động phát triển Công nghiệp hỗ trợ từ đầu năm 2022 đến nay

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thủ đô trong 8 tháng qua tiếp đà phục hồi tích cực. Trong đó, một số ngành có chỉ số IIP đạt mức tăng cao so với cùng kỳ 2021: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 18,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,5%; sản xuất đồ uống tăng 16,5%…
Hà Nội với nhiều hoạt động phát triển Công nghiệp hỗ trợ  từ đầu năm 2022 đến nay
Hà Nội chú trọng đẩy mạnh các hoạt động sản xuất lĩnh vực CNHT

Thành quả đó có được cũng là nhờ sự đóng góp tích cực từ nhiều hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Thủ đô vừa qua.

 

Cụ thể, theo Kế hoạch số 35/KH-UBND thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11%.

 

Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy phát triển CNHT như: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm;…

 

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã thực hiện tổ chức nhiều hội chợ công nghiệp hỗ trợ năm 2022 cho các doanh nghiệp của địa phương và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài; Tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; Mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực…

 

Đặc biệt, tính đến nay, Thành phố đã hỗ trợ 150 triệu đồng/đơn vị tham gia các hội chợ quốc tế; Hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ. Trong thời gian cuối năm 2022 hiện nay cũng như thời gian tới, Hà Nội đã và đang quan tâm hỗ trợ một cách thiết thực, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất nói chung phát triển theo các Dự án chuyên đề cụ thể.

 

Đáng chú ý, trong năm 2022, đến hết quý III vừa qua, Hà Nội đã khởi công xây dựng được 7 cụm công nghiệp gồm Đại Thắng, Phú Túc (huyện Phú Xuyên); Dị Nậu (huyện Thạch Thất); Thắng Lợi, Tiền Phong-giai đoạn 2 (huyện Thường Tín); Đan Phượng-giai đoạn 2 (huyện Đan Phượng) và Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) với tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này rất cao, hầu hết đều đạt 100% diện tích. Dù vậy, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu về mặt bằng sản xuất công nghiệp vẫn đang rất lớn. Theo dự kiến, thời gian tới, Hà Nội sẽ còn tiếp tục lần lượt khởi công 43 cụm công nghiệp đã kêu gọi đầu tư và trong 1-2 năm tới sẽ có hàng nghìn hecta mặt bằng phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất.

 

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, địa bàn Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha. Trong đó, có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng.

 

Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

 

 

Nhiều đại biểu TW, Hà Nội quan tâm tới DN lĩnh vực CNHT tại Hội chợ CNHT Hà Nội 2022

 

Đối với riêng lĩnh vực CNHT, tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội năm 2022 được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 24 - 26/8/2022, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết thêm, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, để đưa Hà Nội trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, đến nay, Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở ngành, đơn vị liên quan, các Hội, Hiệp hội… trên địa bàn liên tục bám sát mọi kế hoạch đề ra và tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

 

Chính sự quan tâm sát sao đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ mối quan tâm chung về thực trạng, tiềm năng và nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội. Nhiều DN đã cùng các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp và đề xuất chính sách để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành sản xuất công nghiệp của thành phố cũng như cả nước. Cụ thể như  các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa hóa và sự thích ứng doanh nghiệp CNHT nội địa; Chuyển đổi số trong sản xuất; Chia sẻ xu hướng đổi mới khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

 

Nhìn chung, bằng nhiều hoạt động tích cực, thời gian qua, lĩnh vực CNHT Hà Nội đã và đang dẫn được đổi mới, nâng cao mọi mặt hoạt động, nhất là góp phần đáng kể trong việc đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Duy Tiên


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang