Thứ Bẩy, 23/11/2024 19:12:25 GMT+7
Lượt xem: 414

Tin đăng lúc 23-11-2024

Hà Nội: Xây dựng NTM là con đường đưa nông thôn phát triển hiện đại, văn minh

Đến nay, Thành phố Hà Nội đã huy động 84.316,9 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới (NTM). Riêng 9 tháng đầu năm 2024, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là 26.640,6 tỷ đồng. Xây dựng NTM là con đường đưa nông thôn Hà Nội vừa phát triển hiện đại, văn minh, vừa giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa lâu đời.
Hà Nội: Xây dựng NTM là con đường đưa nông thôn phát triển hiện đại, văn minh
Xây dựng NTM, đường giao thông tại các huyện đã được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của các địa phương (Ảnh đường giao thông tại huyện Hoài Đức)

Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025". Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021 - 2025 có ba mục tiêu chính: Xây dựng NTM thiết thực hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa; Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

 

 

Xây dựng NTM đã phát huy được sức dân, phục vụ nhu cầu của nhân dân, được nhân dân hài lòng (ảnh cổng làng Yên Mỹ, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì được thực hiện từ nguồn vốn do dân đóng góp)

 

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Thành phố Hà Nội, đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM. Bốn huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã được UBND Thành phố trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, huyện Thanh Trì đã được Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM (ngày 30/9/2024). Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt mục tiêu Chương trình 04 đến năm 2025) và 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (còn thiếu 12 xã so với mục tiêu Chương trình 04 đến năm 2025).

 

 

Xây dựng NTM giúp cho bộ mặt nông thôn đổi mới, phát triển (ảnh trung tâm xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội)

 

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2021 đến nay, TP đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP (01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 742 sản phẩm 4 sao, 914 sản phẩm 3 sao) đạt 82,9% (còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm). Lũy kế từ 2019 đến nay, TP Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm), trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã thực hiện đánh giá, phân hạng được 150 sản phẩm OCOP thuộc 12 quận/huyện. Trong đó có 111 sản phẩm đạt 3 sao; 39 sản phẩm tiềm năng 4 sao đang chờ Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp TP tiến hành đánh giá.

 

 

Thực hiện xây dựng NTM, đời sống thu nhập của người dân được nâng lên, nhà ở nông thôn được xây dựng khang trang (ảnh khu dân cư cụm 3 xã hạ Mỗ, huyện Đan Phượng)

 

Bên cạnh đó, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng/người/năm. Toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 178.747 lao động, đạt 108,3% so với kế hoạch. Đến 9/2024, Thành phố chỉ còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%.

 

Ông Nguyễn Trung Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Năm 2017, ngay sau khi được công nhận huyện NTM, huyện Hoài Ðức (Hà Nội) tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng các xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu “về đích” huyện NTM nâng cao. Những năm qua, thực hiện mục tiêu xây dựng NTM giai đoan 2021 – 2025, huyện Hoài Đức đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn. Tại 19 xã của huyện có 774,51 km đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng đã được bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng yêu cầu của tiêu chí giao thông. Nhiều tuyến đường liên khu vực, đường trục được đầu tư xây dựng, tạo kết nối giữa các khu vực của huyện và các địa bàn lân cận, góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội.

 

 

Đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên, truyền thống văn hóa được giữ gìn và phát huy trở thành niềm tự hào của người dân địa phương và nhân dân Thủ đô (ảnh Lễ hội Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh)

 

“Hết năm 2023, huyện có 16/19 xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao và 3/19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2024, huyện phấn đấu hoàn thành 19/19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 40% tổng số xã về đích NTM kiểu mẫu, hoàn thành huyện NTM nâng cao để tạo đà phát triển thành quận trong thời gian sớm nhất” – Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết thêm.

 

 

Hệ thống giáo dục được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Các xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều có ít nhất 01 trường học đạt chuẩn mức độ 2. Nhờ đó, con em của người dân được học tập trong môi trường giáo dục sư phạm hiện đại, chuyên nghiệp

 

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì - Nguyễn Xuân Phong cho biết: Năm 2017, huyện Thanh Trì vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM, trở thành một trong 3 huyện cán đích chuẩn NTM sớm nhất thành phố và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích nổi bật trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020”. Bước vào giai đoạn 2021 – 2025, xác định xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, không có điểm dừng, để hoàn thành mục tiêu đạt huyện NTM nâng cao, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân.

 

 

Hiện nay, Thành phố Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương. Thực hiện Chương trình OCOP, Hà Nội có 745 sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề. Các làng nghề được thành phố quan tâm, hỗ trợ phát triển

 

Bên cạnh đó, huyện Thanh Trì đã chủ động, linh hoạt trong phương pháp chỉ đạo, triển khai và sự phối hợp đồng bộ của các phòng, ban, đơn vị cùng các xã trên địa bàn. Cụ thể như, trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao gắn với Đề án phát triển huyện thành quận, các xã thành phường, huyện Thanh Trì đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ với phương châm, quan điểm: Đối với các tiêu chí trùng nhau giữa 2 bộ tiêu chí NTM nâng cao và tiêu chuẩn phường thì chọn tiêu chí cao hơn để thực hiện, nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép.

 

Nhờ sự phấn đầu nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngày 30/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện đầu tiên của Thành phố Hà Nội đạt chuẩn NTM nâng cao). Thực hiện mục tiêu thành lập quận, toàn huyện đã đạt 33/34 tiêu chuẩn, còn 1 tiêu chuẩn chưa đạt (cân đối thu - chi ngân sách).

 

 

Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được chính quyền Thành phố và các địa phương quan tâm, chú trọng. Nhiều mô hình đã được duy trì, phát triển ổn định, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho nhân dân Thủ đô (ảnh vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức)

 

Như vậy, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành trước 01 năm mục tiêu xây dựng huyện NTM theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy. Thực hiện xây dựng NTM đã mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn Thủ đô. Trước hết, phải kể đến sự gia tăng nhanh chóng của hệ thống các cụm, điểm, khu công nghiệp tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Bên cạnh đó, làng nghề thủ công truyền thống tiếp tục được đầu tư, phát triển, nhưng sự thay đổi đáng kể chính là thay đổi trong nhận thức của người dân về kinh tế nông nghiệp. Đó là quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường. Sự đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp góp phần đưa chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên. Nhiều địa phương đã có mức sống gần hơn với khu vực đô thị. Chương trình xây dựng NTM đã thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn ở Thủ đô Hà Nội.

 

 Minh Ngọc


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang