Thứ Năm, 21/11/2024 19:57:57 GMT+7
Lượt xem: 1341

Tin đăng lúc 10-07-2024

Hà Tĩnh tìm hướng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Hà Tĩnh xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng đối với thu hút đầu tư các dự án vào địa bàn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong tỉnh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp (CN) trong cơ cấu nền kinh tế.
Hà Tĩnh tìm hướng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với thu hút đầu tư các dự án vào địa bàn

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất CN 5 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều dấu hiệu tích cực khi có 3/4 nhóm ngành CN cấp 1 đều ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất toàn ngành CN của Hà Tĩnh trong tháng 5/2024 ước tăng 46,95% so với tháng trước và tăng 4,77% so với cùng kỳ năm trước.

 

Đối với ngành CNHT, theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Tĩnh hiện nay mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Khó khăn lớn nhất hiện nay, đó là số lượng DN CNHT còn ít, quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, vốn, công nghệ còn hạn chế, chủ yếu tham gia vào một số lĩnh vực chưa đòi hỏi cao về kỹ thuật, trình độ công nghệ với các chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp.

 

Bên cạnh đó, đa phần các DN CNHT trên địa bàn tỉnh chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI đang hoạt động. Các nguyên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng chủ yếu vẫn do các DN FDI, DN chủ lực cung cấp từ nguồn nhập khẩu, từ công ty mẹ, hoặc từ nước bản địa của mình. Liên kết sản xuất giữa các DN trong tỉnh và DN FDI cũng còn hạn chế. Ngoài ra, hiện nay, việc thu hút đầu tư CNHT của tỉnh còn nhiều khó khăn do việc hình thành, kết nối các DN CNHT theo chuỗi liên kết trong tỉnh, khu vực hay cả nước còn hạn chế.

 

Cụ thể, đối với ngành Dệt – May, đây là ngành mũi nhọn để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động nên trong những năm qua, CN may của Hà Tĩnh có bước phát triển nhanh. Toàn tỉnh hiện có trên 20 DN hoạt động trong lĩnh vực may, sợi và hơn 1.100 cơ sở may nhỏ lẻ với các sản phẩm quần áo, găng tay, sợi, bao bì. Tuy nhiên, hiện nay, CNHT ngành Dệt - May trên địa bàn tỉnh phát triển còn manh mún. Các DN dệt - may trên địa bàn chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất nên giá trị gia tăng thấp và tính phụ thuộc cao.

 

Đối với ngành Cơ khí chế tạo, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 16 DN CNHT thuộc ngành này, giá trị sản xuất hiện nay đã tăng cao so với giai đoạn trước, song sản phẩm chủ yếu mang tính chế tạo gia công, phục vụ dự án Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh; số còn lại phục vụ cho các công trình xây dựng CN và dân dụng.

 

Là DN chuyên sản xuất hàng quần áo xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ông Hồ Văn Cát – Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh cho biết: Để phục vụ sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác, Công ty phải nhập khẩu các nguyên phụ liệu từ Nhật Bản; một số phụ liệu khác như chỉ, bao bì đều phải nhập từ các tỉnh, thành khác trong nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có đơn vị sản xuất các phụ liệu cho ngành May mặc.

 

Đại diện DN cũng bày tỏ, ngoài những nguyên, phụ liệu phải nhập từ Nhật Bản theo yêu cầu của đối tác thì một số phụ liệu nếu có nguồn cung từ trong tỉnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho Công ty.

 

 

Lắp đặt dây chuyền, thiết bị mới tại Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh phục vụ cho ngành CN dệt - may

 

Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã xác định “CNHT, CN luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện” là một trong bốn định hướng lớn tạo đột phá phát triển của tỉnh.

 

Xác định tầm quan trọng của lĩnh vực CN nói chung và CNHT nói riêng, trong các cuộc làm việc với các DN, tập đoàn lớn, các hoạt động xúc tiến đầu tư, CNHT được lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

 

Để đưa ngành CNHT trong tỉnh ngày càng một phát triển, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện Đề án phát triển CNHT nhằm định hướng phát triển CNHT cho các ngành CN có lợi thế trên địa bàn như CN luyện thép và sản phẩm chế biến từ thép, CN sản xuất ô tô, CN dệt may và đón đầu các dự án CN điện tử, CN công nghệ cao; triển khai đồng bộ Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nghề cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực CNHT.

 

Tạo điều kiện để các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô kết hợp cảng biển tại Khu kinh tế Vũng Áng; hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện các dự án sử dụng nguồn nguyên liệu thép từ Nhà máy liên hợp gang thép Formosa.

 

Đồng thời, tập trung thu hút các dự án lớn, có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, tạo sự lan tỏa, làm đầu tàu cho sự phát triển; các dự án chế biến, chế tạo, CNHT tạo đầu mối liên kết thúc đẩy phát triển các ngành nghề lĩnh vực khác. Kết nối giữa DN FDI, DN lớn đầu tư trong lĩnh vực công thương với các DN, nhà đầu tư của Hà Tĩnh để hình thành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.

 

Yên Bắc


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang