Thứ Bẩy, 23/11/2024 14:50:19 GMT+7
Lượt xem: 2418

Tin đăng lúc 06-10-2021

Haesung Vina – từng bước khẳng định thương hiệu với lĩnh vực phụ trợ điện tử

Theo báo cáo của Bộ Công Thương mới đây, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm, nhưng sản xuất một số nhóm hàng công nghiệp chủ lực trong 7 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, nhóm linh kiện điện thoại tăng tới 40%; sản xuất điện thoại di động tăng 14,1%. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã sản xuất trên 128 triệu chiếc điện thoại di động. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Haesung Vina (Vĩnh Phúc).
Haesung Vina – từng bước khẳng định thương hiệu  với lĩnh vực phụ trợ điện tử
Haesung Vina từng bước khẳng định thương hiệu với thiết bị phụ trợ ngành Điện tử

Công ty TNHH Haesung Vina được thành lập vào tháng 3/2011, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 13 triệu USD. Công ty chuyên sản xuất các loại linh kiện cho camera điện thoại thông minh, dụng cụ quang học chính xác, action camera. Ngay sau một năm đi vào hoạt động, Haesung Vina đã xuất khẩu sản phẩm đầu tiên ra thị trường quốc tế, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương, tạo bàn đạp thuận lợi trong phát triển công nghiệp phụ trợ.

 

Theo đại diện Công ty cho biết, có được sự khởi đầu thông thuận ấy, ngoài sự nỗ lực nội tại, Haesung Vina còn được Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng địa phương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển rất nhiều khi hành lang pháp lý về đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ (CNHT) khá rộng mở, hấp dẫn, tạo nhiều cơ hội cho mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có thể kể đến những chính sách mang tính tiền đề, thể hiện quyết tâm cao của chính quyền các cấp như: Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT; Quyết định số 181/QĐ-UBND của tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Vĩnh Phúc đến 2020 và định hướng đến 2030; các chính sách về đầu tư;….

 

Trên cơ sở đó, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Haesung Vina đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Những năm 2013- 2015, Công ty đưa nhà xưởng sản xuất số 2, số 3 vào hoạt động, với tổng số vốn đầu tư tăng từ 13 triệu USD lên 36 triệu USD. Trong đó, năm 2014, doanh thu xuất khẩu đạt 146,45 triệu USD, tăng 52% so với năm 2013. Năm 2015, Haesung Vina tăng vốn đầu tư từ 36 triệu USD lên 72 triệu USD, đăng ký bổ sung ngành nghề sản xuất sản phẩm ống kính các loại chuyên dùng cho điện thoại thông minh samsung, sản lượng đạt 18 triệu sản phẩm/năm. Tháng 4/2017, Công ty tiếp tục đưa nhà xưởng số 4 vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng. Nhờ đó, doanh thu năm 2017 của Công ty đạt gần 6.400 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 20 tỷ; năm 2018, nộp ngân sách nhà nước gần 30 tỷ đồng; thu nhập cho người lao động bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm 2018, Haesung Vina được chuyển giao toàn bộ máy móc, công nghệ sản xuất ống kính điện thoại từ công ty mẹ tại Hàn Quốc sang Việt Nam, tạo bước đột phá cho Haesung Vina tăng vốn đầu tư lên đến 165 triệu USD năm 2019, nâng công suất lên tới 136 triệu sản phẩm/năm, đảm bảo cung ứng không chỉ cho Tập đoàn Samsung mà còn cho các khách hàng khác như Huawei và Oppo… Đáng khích lệ là từ 2020 đến nay, tuy bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 nhưng Công ty vẫn đảm bảo sản xuất ổn định, mọi chính sách, chế độ tiền lương, quyền lợi của người lao động được duy trì, đóng góp đầy đủ vào ngân sách nhà nước…

 

Nhờ việc sản xuất ổn định của Haesung Vina nói riêng và các doanh nghiệp CNHT về lĩnh vực thiết bị điện tử nói chung mà xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử của Việt Nam vừa qua vẫn có sự tăng trưởng đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng năm 2021, nhóm hàng điện thoại và các loại và linh kiện đã mang về cho Việt Nam 29,35 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng 11,9% so với cùng kỳ 2020 và tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

 

Có thể nói, trải qua 10 hoạt động với những thăng trầm, những gì mà Haesung Vina đạt được thật đáng trân trọng. Để có được thành công nhất định đó là tổng hòa rất nhiều yếu tố. Trong đó, đáng chú ý là những giải pháp mà Công ty đã kiên trì, bền bỉ, nghiêm túc thực hiện từ nhiều năm như: Một là, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và giảm tối đa chi phí sản xuất trong xu thế ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, Haesung Vina áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 3D5S (đúng sản phẩm, định lượng, vị trí; sàng lọc, sạch sẽ, sắp xếp, săn sóc, sẵn sàng). Hai là, thành lập bộ phận TOC giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện của từng bộ phận; đẩy mạnh phong trào “Đổi mới sản xuất: Nhà xưởng hạng 1, quản lý hạng 1, chất lượng hạng 1”. Ba là, xây dựng hệ thống nhà xưởng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn phòng sạch, trang bị đầy đủ hệ thống điều hòa chiếu sáng hợp lý; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, kho bãi lưu trữ chất thải đạt chuẩn và tiếp tục nâng cấp trang bị hệ thống dây chuyền công nghệ thiết bị sản xuất hiện đại, tiên tiến;…

 

Thời gian tới, ngành CNHT của Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành mắt xích quan trọng, cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Điều này, cho thấy, Vĩnh Phúc luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT như Haesung Vina có thể phát huy năng lực, phát triển tốt nhất. Tin rằng, với thế mạnh của mình, Haesung Vina sẽ là những doanh nghiệp hàng đầu làm chủ công nghệ trong lĩnh vực quang học, quang điện tử và chế tạo các loại sản phẩm, thiết bị tự động.

 

Hà Linh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang