Theo một thống kê năm 2018, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 4.000 cơ sở CNNT thuộc nhiều lĩnh vực như: Sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông – lâm sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; dịch vụ… Trong những năm gần đây, Hậu Giang xác định ưu tiên hỗ trợ, đầu tư tối đa cho nhóm các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong các hoạt động như: Mua sắm máy móc, trang thiết bị mới, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, bảo vệ môi trường…
Ông Huỳnh Thanh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: “Hàng năm Trung tâm chủ trì xây dựng kế hoạch và thẩm định cấp cơ sở các đề án khuyến công thực hiện bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hoặc địa phương. Các đề án khuyến công được ưu tiên ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và nơi mà công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, các xã trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các làng nghề có nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào”.
Tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt 03 đề án khuyến công quốc gia năm 2019 cho tỉnh Hậu Giang với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,96 tỷ đồng. Các đề án được hỗ trợ gồm: Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông, thủy sản; Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất vật liệu xây dựng và Đề án hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước. Các đề án này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển một cách toàn diện cả về sản xuất, sản phẩm và thị trường.
Cùng với việc tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào hoạt động, Trung tâm Khuyến công tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động. Theo báo cáo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, tính từ đầu năm đến nay, địa phương đã mở được 4 lớp may công nghiệp, với khoảng 100 lao động nông thôn đang theo học. Các lớp may công nghiệp này hiện đã được Công ty TNHH May mặc Phương Thảo có cơ sở trên địa bàn huyện đảm bảo đầu ra cho người lao động. Trong năm 2019, huyện Châu Thành A được giao chỉ tiêu mở 12 lớp nghề phi nông nghiệp và 04 lớp nghề nông nghiệp.
Việc đưa máy móc, thiết bị tiên tiến vào ứng dụng trong sản xuất đã giúp các cơ sở CNNT có thêm cơ hội mở rộng quy mô, tăng doanh thu và lợi nhuận. Đơn cử như cơ sở sản xuất sữa chua yaourt của anh Bùi Nguyễn Hải Đăng (phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy), nhờ đầu tư máy móc đóng gói, thiết kế bao bì mà năng suất đã tăng từ 1.000 bịch/tuần lên đến hơn 6.000 bịch/tuần, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình.
Dù các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích, đầu tư cho việc phát triển cơ sở CNNT nhưng những khó khăn, thách thức là chưa bao giờ hết. Các cơ sở hầu hết ở dạng nhỏ lẻ, hộ gia đình, khó huy động được nguồn vốn đối ứng lớn, lại vẫn còn tâm lý coi ngành nghề CNNT như nghề phụ, giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Điều đó dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh không muốn đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Người lao động cũng lo ngại về tính bền vững của nghề nên chưa thực sự gắn bó.
Sản xuất bánh mì tại cơ sở bánh mì Kim Lộc Phát, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh.
Một trường hợp khác, cơ sở sản xuất bánh mì Kim Lộc Phát (xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh) cũng đang gặp khó trong việc hiện đại hóa sản xuất. Hệ thống lò nướng cũ, vận hành với công suất thấp, tiêu hao nhiều năng lượng trong khi vẫn đang rất thiếu thốn vốn đầu tư. Anh Bùi Hoàng Giang, chủ cơ sở này cho biết: “Hỗ trợ máy móc, trang thiết bị là việc làm hết sức cần thiết để cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành linh hoạt về quy trình xét duyệt kinh phí khuyến công để nguồn kinh phí hỗ trợ có tác dụng kịp thời với các tổ chức sản xuất công nghiệp nông thôn”.
Có thể nói, tháo gỡ những trở ngại về vốn, kích thích các cơ sở huy động vốn đối ứng chính là giải pháp thiết thực nhất để chắp cánh cho các cơ sở CNNT ở Hậu Giang hiện nay phát triển.
Phương Văn