Chủ Nhật, 24/11/2024 03:27:29 GMT+7
Lượt xem: 2292

Tin đăng lúc 02-08-2019

Hiệu quả từ phát triển các làng nghề tại huyện Duy Tiên (Hà Nam)

Huyện Duy Tiên (Hà Nam) nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như: Trống Đọi Tam (Đọi Sơn), rượu Bèo thôn Thượng (Tiên Ngoại), dệt lụa Nha Xá (Mộc Nam)… Hiện các làng nghề tại đây đã tạo việc làm cho 2.500 lao động, hiệu quả từ việc duy trì và phát triển các làng nghề đã giúp đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Hiệu quả từ phát triển các làng nghề tại huyện Duy Tiên (Hà Nam)
Làng nghề dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên)

Toàn huyện hiện có 05 làng nghề truyền thống, 04 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và 11 làng có nghề. Thời gian qua, UBND huyện đã tiến hành rà soát và đánh giá thực trạng phát triển của các làng nghề để có những cơ chế, chính sách phù hợp. Tính từ năm 2016 đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức trên 50 lớp đào tạo nghề tại các làng nghề thiếu lao động như: May công nghiệp, thêu ren, mây giang đan cho người lao động. Trong đó, tập trung vào đối tượng là người trung tuổi, phụ nữ có con nhỏ, người khuyết tật.

 

Bên cạnh công tác đào tạo nghề, hàng năm, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, huyện đã hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình tại các làng nghề đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại. Giai đoạn 2015-2018, với 900 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công, huyện đã hỗ trợ làng nghề trống Đọi Tam mua máy uốn tang trống; giúp các hộ ở làng dệt Nha Xá mua máy dệt lụa; hỗ trợ hộ dân làng Bèo (thôn Thượng, xã Tiên Ngoại) mua máy lọc rượu; đồng thời hỗ trợ xây dựng website quảng bá sản phẩm cho làng nghề trống Đọi Tam và dệt lụa Nha Xá. Nhờ đó, hoạt động sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn huyện đã từng bước khởi sắc, các sản phẩm làng nghề ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

 

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Thập – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Duy Tiên vui mừng cho biết: Từ năm 2017 đến nay, các làng nghề truyền thống và một số làng có nghề trên địa bàn huyện đã khắc phục được khó khăn về đầu ra, chú trọng đầu tư máy móc để tăng sản lượng, năng suất lao động. Trong đó, một số làng nghề có mức doanh thu năm 2018 tăng khá cao so với năm 2017 như: Làng nghề trống Đọi Tam tăng 190%, dệt lụa Nha Xá tăng 38%, rượu Bèo tăng 18%; chế biến gỗ thôn Nhất (Tiên Nội) tăng 23%... Qua đó góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong toàn huyện năm 2018 lên 37.200 tỷ đồng (tăng trên 44% so với năm 2017).

 

Năm 2019, huyện sẽ phân bổ 350 triệu đồng nguồn kinh phí khuyến công để tiếp tục hỗ trợ các làng nghề đổi mới công nghệ sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, phấn đấu mức doanh thu của các làng nghề sẽ tăng từ 5% trở lên so với năm 2018.

 

Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển ngành nghề trên địa bàn huyện, các cấp, ngành sẽ tiếp tục quan tâm hướng dẫn các cơ sở có đủ điều kiện làm thủ tục công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống; mở rộng quy mô các làng có nghề kết hợp với tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống; nâng cao chất lượng gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu nhập cho người lao động; duy trì, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương.

 

Trường An

 

 


Tag:Hà Nam

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang