Tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) năm 2019 mới diễn ra hồi trung tuần tháng 9 tại TPHCM, nhiều DN FDI lớn cho biết, để tham gia vào chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp phụ trợ phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng về máy móc thiết bị, quy trình sản xuất - bảo quản linh kiện, quy trình kiểm soát chất lượng.
Bên cạnh đó, các nhà mua hàng là các DN FDI cũng yêu cầu, các nhà cung ứng Việt Nam phải bảo đảm tiến độ giao hàng cùng giá thành ở mức tối ưu hóa sản xuất. Đồng thời phải là DN đáp ứng được các tiêu chuẩn về trách nhiệm với xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Liên Anh, chuyên gia cao cấp Tổ chức IFC/WB nhấn mạnh, các DN CNHT Việt Nam hiện nay, mặc dù có nhiều chứng chỉ về chất lượng sản phẩm, tuy nhiên, việc duy trì đang còn thiếu ổn định. Có những DN khi đánh giá lần đầu thì đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên một thời gian sau thì lại không duy trì được.
Trong khi đó, theo bà Phạm Liên Anh, để trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia, năng lực lõi của DN chính là chìa khóa quyết định khả năng phát triển của DN tham gia được tới đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời gian qua, để hỗ trợ DN tham gia kết nối được từng bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tổ chức IFC phối hợp với Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) triển khai chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp.
Theo đó, chương trình áp dụng những bộ tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá năng lực của các DN Việt tiềm năng, từ đó tư vấn, hỗ trợ đào tạo, giúp các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp DN dịch chuyển lên các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Hiện giai đoạn 1 chương trình đã chọn ra hơn 40 nhà cung ứng. Sau khi được hỗ trợ, bước đầu, hơn 70% các công ty có ứng dụng các công cụ, tiêu chuẩn quản lý sản xuất mới; hơn 50% DN thiết lập quan hệ với khách hàng mới (đặt hàng mẫu, hàng thử…); 50% tăng lợi nhuận và đã có 5 DN trở thành nhà cung cấp chính thức cho DN FDI.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định, cùng với sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng vào thị trường Việt Nam, tiềm năng cung ứng sản phẩm hỗ trợ của DN Việt là rất lớn.
Để tăng khả năng cung ứng của DN trong nước, hiện Bộ Công Thương nói chung và TPHCM nói riêng đang nỗ lực hỗ trợ DN tháo gỡ những rào cản kỹ thuật liên quan đến vốn, đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, nguồn nhân lực trình độ cao...
Tại TPHCM, DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm với mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 30 DN tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ. Trong đó, có 16 hồ sơ dự án được tiếp nhận, 9 dự án được thẩm định vay với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng.
Theo Báo Chính Phủ