Tuy nhiên, trước đây, do chưa có kế hoạch cụ thể nên việc phát triển nghề và nghề truyền thống vẫn còn mang tính tự phát. Đa số các cơ sở sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu; không chủ động được nguồn nguyên liệu; Sự liên kết giữa các làng nghề trong việc đào tạo nghề, thông tin thị trường…chưa được chặt chẽ; Mẫu mã sản phẩm chưa phong phú đa dạng nên khó khăn trong việc mở rộng thị trường; Môi trường bị ô nhiễm, cơ sở họa tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất chưa đồng bộ…
Nhằm khắc phục những tồn tại trên, đồng thời, tiếp tục duy trì, phát triển và bảo tồn các ngành nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, kết hợp với mục tiêu phát triển quy mô đầu tư, mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững, UBND tỉnh đã tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở, hộ gia đình và doanh nghiệp (DN) nhỏ thành làng, khu, cụm làng nghề sản xuất tập trung; cung ứng nguyên liệu đầu vào ổn định; xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế; lồng ghép sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống với phát triển các điểm du lịch thông qua hệ thống shoroom trưng bày các sản phẩm của làng nghề nhằm tăng cường công tác giới thiệu và quảng bá sản phẩm đặc trưng của từng làng nghề truyền thống ra thị trường trong và ngoài nước… Tỉnh cũng đã phê duyệt, triển khai nhiều đề án liên quan đến khôi phục và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh như: Đề án Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Châu Mạ, xã Tà Lài, huyện Tân Phú; Đề án Khôi phục và phát triển nghề đúc gang xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu; Đề án duy trì và phát triển nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Trảng Bom… Các đề án đã nhận được sự quan tâm của Sở Công Thương và triển khai rất thuận lợi, trong đó, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp với với các Sở, ban ngành của tỉnh và các địa phương nơi có dự án đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tuyên truyền và vận động các cơ sở, DN tham gia ổn định sản xuất theo cụm nghề quy hoạch.
Sản phẩm gốm sứ truyền thống của Đồng Nai
Bên cạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở, DN đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi truờng kết hợp với tham quan học tập kinh nghiệm, tổ chức sản xuất tại các làng nghề, cụm nghề truyền thống ở các tỉnh bạn, Trung tâm Khuyến công còn đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, lồng ghép các chính sách hỗ trợ như: Đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn; xây dựng xã nông thôn mới; tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp và đào tạo lao động có tay nghề; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Có thể nói, trong thời gian qua, với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, các DN, cơ sở CNNT cũng như sự nỗ lực, sáng tạo của người dân làng nghề, việc khôi phục, duy trì và phát triển nghề, làng nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều ngành nghề truyền thống đã dần được khôi phục và phát triển mạnh như: nghề gỗ mỹ nghệ, điêu khắc gỗ, tre trúc, gốm sứ, mây tre đan, đá mỹ nghệ.... giúp người dân có việc làm với thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao, đem lại bộ mặt mới cho khu vực nông thôn, qua đó, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển và trên hết là góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc./.
Quỳnh Anh