Thứ Bẩy, 23/11/2024 01:09:43 GMT+7
Lượt xem: 1713

Tin đăng lúc 04-11-2022

Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022: Thúc đẩy kết nối để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Sáng 4/11, tại Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022.
Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022: Thúc đẩy kết nối để phát triển công nghiệp hỗ trợ
Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh, thành trong cả nước hợp tác, liên kết; đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu, trong đó, có hơn 100 doanh nghiệp CNHT và gần 50 doanh nghiệp đăng ký trưng bày, giới thiệu sản phẩm CNHT thuộc các lĩnh vực: cơ khí, điện tử, sản xuất lắp ráp ô-tô, bao bì,…

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, những năm qua, thành phố đã ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển CNHT để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố. 

 

Mục tiêu của Đà Nẵng là thúc đẩy doanh nghiệp CNHT tăng về số lượng, có khả năng tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tập trung vào các sản phẩm linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp. Đà Nẵng hướng tới thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh vào thành phố để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, tạo động lực phát triển CNHT.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh mong muốn những kết quả của hội nghị không chỉ dừng ở các cặp ký kết biên bản ghi nhớ trực tiếp mà thông qua hội nghị, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn để tiến đến hợp tác, kết nối hiệu quả.

 

Chia sẻ với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, CNHT nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. 

 

Để phát triển CNHT, việc cần làm là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất lắp ráp trong ngoài nước.

 

"TP Đà Nẵng đóng vai trò hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với thế mạnh địa lý, hạ tầng và nhân lực, Đà Nẵng còn nhiều dư địa phát triển công nghiệp, đặc biệt là CNHT; giữ vai trò tạo liên kết với các doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo tính lan tỏa cho vùng kinh tế" – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.

 

Cũng tại hội nghị, đại diện một số địa phương có nền công nghiệp phát triển đã chia sẻ về những giải pháp, kinh nghiệm trong phát triển CNHT, cụ thể, ông Bùi Quang Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, những năm gần đây, TP này có sự đột phá lớn về công nghiệp, là trụ cột phát triển kinh tế, trong đó, riêng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 90% ngành công nghiệp của Hải Phòng. Việc tập trung phát triển công nghiệp đã thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn, lên tới hàng tỉ USD. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỉnh có 321 doanh nghiệp CNHT nhưng chủ yếu nằm ở khu vực FDI (chiếm 62%) và vấp phải khó khăn về việc liên kết, kết nối, hỗ trợ…

 

Ông Bùi Quang Hải cho rằng, các doanh nghiệp CNHT trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, cái mà doanh nghiệp cần là chính sách hỗ trợ, cơ chế đặc biệt nào đó, bởi, làm và đầu tư CNHT không chỉ là vấn đề thời gian mà cần vốn lớn, sự cạnh tranh lớn…

 

Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng đề xuất, các địa phương và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT, tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Công Thương để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, dễ dàng kết nối với nhau.

 

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT tại tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, từ khi có sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đã thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Tới nay, Quảng Nam đã huy động được 10 tỷ USD vốn đầu tư. Nhờ đó, nền kinh tế địa phương tăng trưởng bình quân 12,5%/năm, tổng thu ngân sách tăng bốn lần so với 10 năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo là then chốt, mũi nhọn của tỉnh với 1.050 doanh nghiệp.

 

Các đơn vị ký kết bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác

 

Gần 50 doanh nghiệp CNHT tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị

 

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, ngoài nội dung thảo luận, trao đổi, đánh giá, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế và xây dựng định hướng chiến lược, muc tiêu phấn đấu liên quan đến CNHT và kết nối lĩnh vực này…, các địa phương, đơn vị tiến hành khảo sát, thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp; gặp gỡ, kết nối, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và đơn vị liên quan; trưng bày, quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp…

 

Tại Hội nghị, 6 cặp đơn vị đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác, kết nối trong các lĩnh vực như cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ gia công cơ khí, cung ứng bao bì, nhãn mác sản phẩm cơ khí, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí đầu tư phát triển, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến trong lĩnh vực CNHT.

Nhuận Chí


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang