Đóng góp quan trọng
Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng DN, CNHT Việt Nam đã có được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện các DN CNHT phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hải, sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam vẫn còn không ít những hạn chế, như: Năng lực sản xuất, tổ chức quản lý và công nghệ kỹ thuật còn yếu, khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT trong nước còn nhiều bất cập, nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn.
Với sự hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế nói chung và trong CNHT nói riêng thông qua việc triển khai tích cực các nội dung trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã và đang trở thành cầu nối quan trọng, mở ra những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho DN hai nước.
Tại Triển lãm CNHT Việt Nam - Nhật Bản (SIE 2019) diễn ra tại Hà Nội mới đây, với sự góp mặt của 20 công ty sản xuất Nhật Bản và 35 DN Việt Nam tham gia trưng bày sản phẩm và công nghệ được coi là sự kiện xúc tiến, giao thương trọng tâm được DN hai bên mong đợi. Cùng với hàng loạt các hoạt động bên lề chuỗi triển lãm này mang đến những cơ hội thiết thực để các DN trong ngành CNHT Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản, đóng góp quan trọng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ, bền vững của ngành CNHT.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Đối với ngành CNHT Việt Nam, DN nhỏ và vừa chiếm đa số, tuy nhiên năng lực còn nhiều hạn chế, dẫn tới khả năng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Trước thực tế này, trên phương diện cạnh tranh, cải thiện năng lực là điều cần thiết đối với các DN. Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội - ông Hironobu Kitagawa - cho biết, tại Nhật Bản - nơi các DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 99.7% tổng số DN và khoảng 70% tổng lực lượng lao động là lực lượng trung tâm của ngành CNHT, Chính phủ Nhật Bản có nhiều chính sách hỗ trợ và luôn lắng nghe tâm tư DN. "Tại Nhật Bản, cơ quan quản lý thường đi đến tận xí nghiệp để nắm được khó khăn của DN nhằm hỗ trợ kịp thời; tiếp cận trực tiếp với DN nhiều hơn, xem họ vướng mắc gì để tháo gỡ; đồng thời luôn quan tâm, hỗ trợ cho DN khi tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài"- ông Hironobu Kitagawa nói.
Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia có số đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực CNHT, ngày càng nhiều DN Nhật Bản chọn Việt Nam để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhưng theo nhận định từ đại diện JETRO, nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu từ các nhà sản xuất Nhật Bản dù đã xuất hiện một số DN tiềm năng. Ông Hironobu Kitagawa khuyến nghị, muốn gia tăng cơ hội hợp tác với DN Nhật Bản, DN Việt Nam cần tìm hiểu, tiếp cận phong cách làm việc của DN Nhật Bản. Và điều quan trọng nhất với DN sản xuất là tạo ra được sản phẩm, vì vậy cần ưu tiên đào tạo được nguồn nhân lực xuất sắc.
Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII năm 2019, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí triển khai 3 nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành CNHT Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc, đào tạo nguồn nhân lực, lĩnh vực quản lý kinh doanh, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất. |
Theo Báo Công Thương