Thứ Sáu, 22/11/2024 08:53:01 GMT+7
Lượt xem: 1356

Tin đăng lúc 25-09-2023

Hưng Yên xác định CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh

Tỉnh Hưng Yên có vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp. Trong những năm qua, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, tỉnh đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp trong nước, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Hưng Yên xác định CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh
Hưng Yên đang tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ

Phát triển CNHT để thu hút dòng vốn FDI

 

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 300 dự án đầu tư vào ngành CNHT. Trong đó, ngành Cơ khí, chế tạo sản xuất chủ yếu các sản phẩm tạo khuôn mẫu, dập, đúc và gia công chính xác, dụng cụ, dao cắt, linh kiện, thiết bị máy động lực, máy nông nghiệp, sản xuất thép chế tạo.

 

Ngành Thiết bị điện, điện tử sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử, vật liệu linh kiện điện tử, chi tiết cơ - điện tử, pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động.

 

Ngành Dệt, may sản xuất các sản phẩm xơ, sợi, vải dệt các loại, chỉ thêu, phụ liệu... Ngành Da giày sản xuất các sản phẩm da thuộc, đế giày và hóa chất thuộc da. Ngành Sản xuất, lắp ráp ô-tô sản xuất các sản phẩm động cơ và chi tiết động cơ ô-tô, sản xuất linh kiện phụ tùng ô-tô, khung thân vỏ, cửa xe, dây điện và cụm đèn, linh kiện nhựa, cao su, ô tô… và nhóm công nghệ cao sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị và sản xuất các loại chi tiết nhựa chất lượng cao…

 

Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động nguồn lực lớn đầu tư xây dựng sở hạ tầng; quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng 17 khu công nghiệp, với diện tích hơn 4.395 ha; thành lập 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.256 ha. Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 2.122 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký hơn 259 nghìn tỷ đồng và hơn 6 tỷ USD.

 

CNHT ở Hưng Yên phát triển đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất thành phẩm khác như sản xuất, lắp ráp ô tô; thiết bị điện, điện tử; dệt may; sản xuất các sản phẩm từ thép, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, gia công kim loại; linh kiện phụ tùng ô tô xe máy… tạo môi trường hình thành mối liên kết sản xuất giữa các thành phần kinh tế giữa cơ sở sản xuất trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, liên kết giữa vệ tinh CNHT và các doanh nghiệp lắp ráp. Trong đó, nhiều dự án đang hoạt động có hiệu quả như các dự án của Công ty TNHH Toto Việt Nam (403 triệu USD, Công ty TNHH Kyocera Việt Nam (379 triệu USD); Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam (300 triệu USD), Công ty TNHH Hoya Glassdisk (214 triệu USD), Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (128 triệu USD)…

 

Tạo việc làm là một trong những đóng góp quan trọng và không thể phủ nhận của các nhà đầu tư nước ngoài tại Hưng Yên, đến nay đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho trên 78.000 lao động trên địa bàn tỉnh.  Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực đầu tư nước ngoài cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều triệu lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp trong khu vực này.

 

Đưa CNHT trở thành ngành công nghiệp quan trọng

 

Theo định hướng của tỉnh Hưng Yên, đến năm 2025, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Đến năm 2030, CNHT sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể: Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, đến năm 2025, định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại. Đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại.

 

Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12 - 15 triệu sản phẩm các loại…

 

Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết: Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành CNHT, Sở đã và đang tham mưu với tỉnh thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT, đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.

 

Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT; tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

 

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNHT thông qua các chương trình, kế hoạch về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

 

Thời gian tới, Hưng Yên sẽ tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, CNHT, công nghiệp công nghệ số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển. Phấn đấu đưa Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

 

Trường An


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang