Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các dự án CNHT có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến, thân thiện môi trường, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển công nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNHT, xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp sản xuất CNHT với các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng để từng bước đưa ngành CNHT của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Tỉnh sẽ lựa chọn một số lĩnh vực CNHT có khả năng phát triển tốt để ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển; gắn phát triển CNHT với mục tiêu nội địa hoá các sản phẩm công nghiệp của đất nước.
Những lĩnh vực mà Hưng Yên ưu tiên phát triển gồm: Cơ khí chế tạo; thiết bị điện - điện tử; dệt may - da giày; sản xuất và lắp ráp xe ô tô; công nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu đề ra cho từng lĩnh vực cụ thể như sau:
Lĩnh vực cơ khí chế tạo: Đến năm 2025, sản lượng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt từ 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại.
Đến năm 2030, sản lượng sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại.
Lĩnh vực thiết bị điện, điện tử: Đến năm 2025, sản lượng sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt từ 12 triệu - 15 triệu sản phẩm các loại. Đối với vật liệu điện tử, linh kiện nhựa, cao su, chi tiết cơ - điện tử các loại đạt sản lượng 70 - 85 nghìn tấn sản phẩm. Sản xuất pin cho máy tính và thiết bị di động đạt 01 - 1,2 triệu Kwh.
Đến năm 2030, sản lượng sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt từ 19-21 triệu sản phẩm các loại. Đối với vật liệu điện tử, linh kiện nhựa, cao su, chi tiết cơ - điện tử các loại đạt sản lượng 110 - 125 nghìn tấn sản phẩm. Sản xuất pin cho máy tính và thiết bị di động đạt 1,5 - 1,7 triệu Kwh.
Lĩnh vực dệt may: Đến năm 2025, sản xuất xơ, sợi các loại đạt 30 - 40 nghìn tấn; vải dệt các loại đạt 65 - 70 triệu m2; chỉ thêu các loại đạt sản lượng 20-21 nghìn tấn; các sản phẩm cúc dập, khuy séc, nhãn mác, bao bì, giặt mài công nghiệp, vải bạt, dệt nhựa... đạt 100 - 150 triệu sản phẩm các loại.
Đến năm 2030, sản xuất xơ, sợi đạt 55 - 60 nghìn tấn; vải dệt các loại đạt 100 - 115 triệu m2; chỉ, thêu các loại đạt sản lượng 28 - 30 nghìn tấn; các sản phẩm cúc dập, khuy séc, nhãn mác, bao bì, giặt mài công nghiệp, vải bạt, dệt nhựa... đạt 230 - 235 triệu sản phẩm các loại.
Lĩnh vực da giầy: Đến năm 2025, sản xuất đế, mũ giầy đạt 18,5 -20 triệu đôi; phụ liệu cho ngành giầy đạt 20 - 30 tấn sản phẩm.
Đến năm 2030, sản xuất đế, mũ giầy đạt 24,0 - 25,5 triệu đôi; phụ liệu cho ngành giầy đạt 50 - 60 tấn sản phẩm.
Lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe ô tô: Đến năm 2025, sản xuất động cơ và chi tiết động cơ ô tô đạt 1 triệu - 1,2 triệu sản phẩm các loại; khung, thân, vỏ, cửa xe đạt 7.500 - 8.500 sản phẩm; dây điện, cụm điện các loại đạt 9 triệu - 10 triệu sản phẩm; linh kiện nhựa, cao su cho ô tô đạt khoảng 16 nghìn tấn.
Đến năm 2030, sản xuất động cơ và chi tiết động cơ ô tô đạt 1,8 triệu - 2 triệu sản phẩm các loại; khung, thân, vỏ, cửa xe đạt 15 nghìn - 17 nghìn sản phẩm; dây điện, cụm điện các loại đạt 17 triệu - 18,5 triệu sản phẩm; linh kiện nhựa, cao su cho ô tô đạt khoảng 25 nghìn tấn.
Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao: Đến năm 2025, sản xuất được các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử, chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao, cơ khí chính xác để phát triển các thiết bị thông minh, thiết bị ngành y tế, rô bốt công nghiệp và phục vụ cho các ngành khác.
Đến năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng; phần mềm và ứng dụng phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng; hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
Thu Hằng