Thứ Năm, 10/10/2024 14:55:35 GMT+7
Lượt xem: 1353

Tin đăng lúc 25-09-2024

Intel Products Vietnam: Đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu

Với mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip điện tử thông qua hợp tác với các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Một trong số đó là Tập đoàn Intel với việc thành lập Công ty TNHH Intel Products Vietnam.
Intel Products Vietnam: Đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu
Sự xuất hiện của Intel tại Việt Nam đã giúp thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip điện tử

Việt Nam đang nằm trong nhóm 10 nước trên thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Với thế mạnh sẵn có này, chúng ta có nhiều cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, đặc biệt, Việt Nam hiện đang là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ Intel.

 

Được thành lập năm 2006, Nhà máy Intel Products Vietnam (IPV) có vị trí tại Khu công nghệ cao (CNC) TP.HCM, là một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp và kiểm định các sản phẩm chip máy tính để xuất khẩu và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực CNC. IPV là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và là một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là cơ sở sản xuất lớn nhất trong mạng lưới lắp ráp và kiểm định của Intel trong số 10 địa điểm sản xuất mà Intel có trên toàn cầu. IPV hiện đang sản xuất những chipset công nghệ mới nhất của Intel bao gồm 5G, IOT, desktop, mobile… cho khách hàng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, trung tâm này cũng đóng vai trò nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực thông tin kỹ thuật cao (công nghệ cho thương mại điện tử), kiểm tra kiểm nghiệm sản phẩm, cũng như cung cấp dịch vụ hậu mãi. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2010, IPV đã tạo ra hơn 6.500 việc làm cho người lao động trong nước có tay nghề cao trong nhiều lĩnh vực.

 

Tính từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn này đã xuất khẩu 85 tỷ USD sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thế giới, chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu của Khu CNC TP.HCM. Riêng trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Intel ước đạt 10-11 tỷ USD. 

 

Sau lần đầu tư thêm 475 triệu USD đầu năm 2021, tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn vào Việt Nam là 1,5 tỷ USD.

 

Intel Việt Nam là nhà máy có vị trí quan trọng trong hệ thống các nhà máy lắp ráp kiểm định chip của Intel trên toàn cầu. Hiện tại, nhà máy Intel Việt Nam đang đảm nhiệm sản xuất các sản phẩm vi xử lý Raptor Lake thế hệ mới nhất và vi xử lý thế hệ tiếp theo Meteor Lake. Tổng sản lượng của nhà máy tại Việt Nam đang chiếm hơn 50% sản lượng trong hệ thống nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel trên thế giới.

 

 

Bên trong nhà mát sản xuất của Intel tại Việt Nam

 

Nhìn nhận về môi trường đầu tư của Việt Nam, đại diện IPV cho biết: "Intel luôn đánh giá cao môi trường chính trị - xã hội ổn định của Việt Nam, sự sẵn sàng của lực lượng lao động trẻ và tài năng, cũng như vị trí địa lý nằm ngay trung tâm châu Á, đây là những điều kiện để Intel tiếp tục đầu tư vào Việt Nam". Intel cam kết là đối tác lâu dài, tin cậy và tiếp tục đồng hành với Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. 

 

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Intel Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, sự xuất hiện của Intel tại Việt Nam đã giúp thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip điện tử. “Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho Intel có thể triển khai hoạt động đầu tư và sản xuất tại Việt Nam trên cơ sở không vi phạm quy định và những cam kết với quốc tế và đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan báo cáo với Chính phủ giải quyết đề xuất của Intel”, Thứ trưởng cam kết.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Intel Việt Nam cần nghiên cứu tận dụng những ưu đãi đặc biệt của Chính phủ đã dành cho các doanh nghiệp công nghệ, CNC, đặc biệt có trụ sở tại KCN, CNC tại TP.HCM, nơi có những chính sách ưu đãi đặc thù về lĩnh vực trên.

 

Bên cạnh các chính sách phát triển, IPV hiện đang chú trọng xây dựng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp CNC nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

 

Ông Kenneth Tse, Tổng Giám đốc Công ty cho rằng: Để phát triển nhiều hơn nữa trong lĩnh vực CNC và công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực luôn là ưu tiên của Intel. Intel nhận thấy rằng, sự hợp tác giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp là một ưu tiên mà các trường cần tập trung, cũng như phát triển giáo trình đào tạo phù hợp với sự phát triển rất nhanh của ngành công nghệ. Việc tạo cho sinh viên có nhiều cơ hội thực hành các dự án xử lý, những vấn đề trong lĩnh vực CNC cần phải ưu tiên.

 

Là một trong những công ty sản xuất và thiết kế chất bán dẫn hàng đầu, Intel luôn hướng tới các hoạt động bền vững và cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính bằng “0” trong các hoạt động sản xuất vào năm 2040.

 

Tại Việt Nam, Intel cũng cam kết tiết kiệm điện, sản xuất thông minh và tái chế rác thải, nước thải. Intel cũng trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái của tòa nhà văn phòng từ khi có mặt tại Việt Nam. Ngoài ra, Intel cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc phát triển xanh, chuyển đổi số với mục tiêu giúp Việt Nam phát triển bền vững trong những năm tới.

 

Sự có mặt của Intel với dự án đầu tư tỷ đô trong thời gian qua đã góp phần đưa Việt Nam vào bản đồ CNC trên thế giới, qua đó giúp thúc đẩy Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu. Việc hoàn thiện các chính sách, cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư tiềm năng đang vào và sẽ vào để mở rộng sản xuất với công nghệ ngày càng tiên tiến hơn.

 

Huyền My


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang