Hỗ trợ trọng tâm
Đánh giá của Cục Công nghiệp cho thấy, để mở rộng thị trường cho CNHT, trước tiên cần đảm bảo quy mô thị trường nội địa để phát triển công nghiệp trước khi hướng đến các thị trường xuất khẩu. Nhưng hiện tại, do năng lực các DN công nghiệp Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chưa cao nên cần có các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ thị trường nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước.
Trước hết, cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số DN Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ngành ôtô, điện - điện tử, dệt may, da giày trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT trong nước cùng phát triển.
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp để các DN công nghiệp tham gia hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại. Xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực
Đối với ngành công nghiệp cơ khí, các DN mong muốn Chính phủ hỗ trợ tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm từ xây dựng, chế tạo cho các nhà máy nhiệt điện, các công trình giao thông đường sắt, tàu điện ngầm; chế tạo thủy công cho các công trình chống ngập mặn; chế tạo kết cấu thép xây dựng cho nhà cao tầng... Trong đó, cần tập trung ưu tiên đối với những DN có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành.
Trong ngành công nghiệp ôtô, DN kiến nghị, Chính phủ tập trung hỗ trợ đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ôtô trong thời gian gần đây và tương lai.
Về dài hạn, có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.
Đối với ngành dệt may, da giày, cần tập trung đầu tư vào lĩnh vực thiết kế thời trang và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nhằm phát triển thị trường nội địa và hướng tới thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, các DN trong lĩnh vực công nghiệp điện - điện tử cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng, đồng thời tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực này có cơ hội phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.
|
Theo báo Công Thương