Đây là chia sẻ của ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn” diễn ra chiều ngày 30/7 tại Hà Nội.
Cũng theo ông Trần Đắc Trung, việc phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc luôn gắn liền với thực tiễn của trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong khu. Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã có 108 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là trên 5 tỷ USD. Số cán bộ, chuyên gia, người lao động, học tập tại Khu CNC Hòa Lạc khoảng 25.000 người.
Các dự án trong Khu CNC Hòa Lạc đóng góp rất nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Đặc biệt, các dự án này đã phát huy hiệu quả trong việc hình thành mối liên kết giữa trường đại học, cơ sở đào tạo-viện nghiên cứu - doanh nghiệp sản xuất, tạo thành vòng tròn khép kín giữa 3 nhà: Nhà nghiên cứu - Nhà trường - Doanh nghiệp.
“Ngành bán dẫn, phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối ba nhà gồm nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Hoạt động này đang được Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc (HHTP) tập trung triển khai", ông Trung nói.
Trong năm nay và năm tới, HHTP đang tập trung xây dựng các danh mục để thu hút các dự án về phát triển hạ tầng xã hội cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, sinh viên học tập tại Khu CNC Hòa Lạc. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đối tác tham gia hợp tác, đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc.
Lãnh đạo HHTP xác định luôn đồng hành và chia sẻ với các viện trường, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, đặc biệt trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển nhân lực bán dẫn phục vụ sự phát triển Khu CNC Hòa Lạc và các doanh nghiệp trong đơn vị.
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, hiện nay, Khu CNC Hòa Lạc có nhiều lợi thế để "đón sóng" đầu tư ngành bán dẫn khi đang quy tụ những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam như: Viettel, FPT, Mobifone, Vinaphone, CMC, những cơ sở nghiên cứu và ươm tạo quy mô lớn như: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Đặc biệt, Khu CNC Hòa Lạc có khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, như trong khu đã có Trường đại học FPT đang đào tạo cho khoảng gần 10.000 sinh viên về các ngành công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn.
Đại diện V-KIST thì cho biết, trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc, sẽ đào tạo nhân lực, xây dựng phòng thí nghiệm cho nghiên cứu vi mạch tại Việt Nam.
Lãnh đạo Khu công nghệ cao Hòa Lạc kỳ vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, môi trường thuận lợi, Khu CNC Hòa Lạc sẽ là “địa chỉ” để các “đại bàng công nghệ đến xây tổ”.
Minh Vũ