Thứ Sáu, 22/11/2024 10:17:58 GMT+7
Lượt xem: 4266

Tin đăng lúc 27-05-2024

Kỷ niệm 30 năm hoàn thành ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 1: Viết tiếp bản hùng ca trên công trình ĐZ 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối

Những ngày cuối tháng 5/2024 này, kỷ niệm 30 năm ngày đóng điện vận hành công trình đường dây (ĐZ) 500kV Bắc Nam mạch 1 - một kỳ tích của Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ XX đúng vào giai đoạn cả hệ thống chính trị đồng hành cùng EVN/EVNNPT chạy đua nước rút, huy động tổng lực triển khai xây dựng dự án trọng điểm ĐZ 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối để phấn đấu về đích vào cuối tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Kỷ niệm 30 năm hoàn thành ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 1: Viết tiếp bản hùng ca trên công trình ĐZ 500kV mạch 3 Quảng Trạch -  Phố Nối
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát công trường thi công đường dây 500kV Bắc - Nam

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên lịch sử, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khí thế thi đua lao động sáng tạo và quyết tâm thần tốc vượt nắng thắng mưa trong quá trình xây dựng công trình ĐZ 500 kV Bắc Nam mạch 1 năm nào đang tái hiện sinh động, tinh thần cách mạng tiến công thời kỳ đổi mới đang phát huy mạnh mẽ trên khắp công trường xây dựng ĐZ 500kV mạch 3 ra phía Bắc.

 

Kỳ tích của ngành Điện những năm 1990 của thế kỷ XX

 

Ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh đóng điện ĐZ 500 kV Bắc - Nam mạch 1. Đây là công trình giúp thống nhất hệ thống điện ba miền đất nước, trở thành bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại của Đảng, Nhà nước ta về chiến lược phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lược quốc gia cũng như thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Công trình được coi là kỳ tích của ngành Điện Việt Nam những năm 90 của thế kỷ XX bởi nó đã xác lập những kỷ lục chưa từng có như quy mô xây dựng công trình rất lớn tới gần 1500 km, công nghệ phức tạp, vừa thiết kế vừa thi công chỉ vỏn vẹn 2 năm. Công trình cũng là nơi khơi nguồn cho tư duy dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện với cái mới với nhiều chông gai thử thách với những tấm gương tiêu biểu dù ở những cương vị khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Đó là vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đưa ra chủ trương, quyết định, quyết đoán và là tư lệnh trực tiếp chỉ đạo để công trình thành công tốt đẹp.

 

Tết Tân Mùi năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, Thủ tướng đặt vấn đề miền Nam thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng cần tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam. Thủ tướng rất trăn trở: “Việc xây dựng các công trình điện rất tốn kém, khó khăn nhưng nhất định phải làm bằng được vì sự nghiệp đổi mới đất nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân”.

 

Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã nhanh chóng triển khai ngay các thủ tục để xây dựng Dự án ĐZ siêu cao áp 500kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Nhưng thách thức lớn nhất chính là do địa hình đất nước trải dài hình chữ S đòi hỏi ĐZ siêu cao áp 500kV khi thi công sẽ phải lên tới 1.500 km, vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, trong lúc đó trên thế giới ĐZ dài nhất cũng chỉ từ 700 - 800 km và phải xây dựng trong 7 - 8 năm. Ông Vũ Ngọc Hải  - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng từng chia sẻ: Thời điểm đó có rất nhiều ý kiến phản đối xây dựng công trình này. Thậm chí, một giáo sư Việt kiều từ Pháp còn viết thư gửi cho tất cả các ủy viên Bộ Chính trị để nêu 3 vấn đề: Thứ nhất, thời gian xây dựng trong 2 năm là quá ngắn, không khả thi. Thứ hai, về mặt kỹ thuật, ĐZ với chiều dài gần 1.500 km sẽ không thể tải điện ổn định vào miền Nam. Thứ ba, chi phí xây dựng sẽ vượt xa dự toán ban đầu.

 

Với tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiểu rằng việc xây dựng ĐZ 500kV sẽ kết nối các vùng miền trong cả nước, tạo điều kiện phát triển vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. “Trong tương lai không thể không có một chiến lược như xương sống của quốc gia để có thể điều hòa giữa các miền và đặc biệt lúc bấy giờ tỷ trọng thủy điện lại lớn nhất, cho nên cơ cấu của điện có sự không hợp lý. Nhưng bởi vì đất nước mình dài, cho nên có những vùng thừa nước và có vùng lại nắng hạn liên tiếp, mình phần lớn là thủy điện cho nên muốn có sự điều hòa để đảm bảo cho yêu cầu phát triển kinh tế, phát triển sản xuất và đời sống của dân thì không thể không xây dựng ĐZ 500kV, rồi thì điều hòa phân phối nhu cầu của cả nước một cách tương đối đồng đều”. Không những thế, lúc miền Nam đánh Mỹ, miền Bắc còn chi viện sức người sức của cho miền Nam đánh Mỹ, giờ miền Bắc thừa điện, miền Trung, miền Nam thiếu điện mà lại bán điện miền Bắc thì không hợp lý.

 

 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra công trường xây dựng trạm biến áp 500 kV Hòa Bình tháng 3/1994

 

Với suy nghĩ đó, Thủ tướng hạ quyết tâm xây dựng ĐZ 500kV và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm: “Cứ làm, nếu thất bại tôi sẽ từ chức, không để cách chức…  Ai đồng tình thì đứng vào hàng ngũ, ai không đồng tình thì đứng ra một bên”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thành bằng được trong khoảng thời gian chỉ bằng 1/4 thời gian mà các nước trên thế giới vẫn làm… Với những quyết định lịch sử táo bạo, đột phá và chính xác, đặc biệt là dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, công trình ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã được xây dựng và trở thành một dấu son của ngành Điện lực Việt Nam.

 

Đối với ngành Điện, đây là công trình đánh dấu sự chuyển hóa từ trạng thái lạc hậu sang trạng thái văn minh: Hiện đại hóa ngành Điện, thống nhất ngành Điện, điều hòa hệ thống truyền tải từ Bắc vào Nam; nối liền hệ thống điện trong cả nước, giải quyết được bài toán của cả nước cũng như ngành Điện trăn trở suốt bao năm qua. Việc xây dựng đưa vào vận hành ĐZ 500kV đã góp phần điều hòa công suất, khắc phục tình trạng thiếu điện, cung cấp điện ổn định cho các địa phương, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam. Công trình mang lại lợi ích kinh tế vượt trội so với các công trình điện lớn khác, là công trình đầu tiên và duy nhất trong ngành Điện thu hồi vốn nhanh nhất, tính đến thời điểm đó. Trong vòng chưa đầy 3 năm đã thu hồi được tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu đô, trong khi dự kiến ban đầu là mất 5 - 10 năm. Hệ thống truyền tải điện 500kV tạo điều kiện khai thác các nhà máy điện với hiệu quả kinh tế toàn hệ thống cao hơn hẳn so với các hệ thống truyền tải điện miền riêng biệt trước đây. Tổng chi phí nhiên liệu đã giảm rõ rệt so với giai đoạn chưa có hệ thống hợp nhất. Tỷ lệ nguồn điện dùng nhiên liệu lỏng so với tổng sản lượng điện nhận của miền Nam và miền Trung đã giảm từ 37% năm 1993 xuống 16,6%/năm 1995 nhờ có hệ thống truyền tải điện 500kV.

 

Việc đưa Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho miền Trung và miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở miền Bắc và các mỏ cung cấp than thời bấy giờ. Việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam còn là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện lực Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế. Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng gian nan, đầy thử thách và hết sức ý nghĩa làm ĐZ 500kV ấy, Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải vẫn tâm đắc: “Đội ngũ khoa học - kỹ thuật của ta đã thể hiện đẳng cấp, và bản lĩnh của mình khi vừa lo thiết kế, vừa chỉ huy thi công ĐZ 500kV, sau này khi mang sang kiểm tra tại hệ thống máy tính ở các viện bên Nhật, theo tiêu chuẩn quốc tế, không sai một tí nào”.

 

Quá trình xây dựng công trình, đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được tôi luyện, rèn giũa từ thực tiễn, do đó đào tạo được một đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân lành nghề làm nền tảng cho sự phát triển về sau. Thực tế đã chứng minh điều này khi ĐZ 500kV mạch 2, mạch 3 được xây dựng bởi chính bàn tay, khối óc của đội ngũ cán bộ, công nhân trong nước, không cần thuê chuyên gia, cán bộ nước ngoài.

 

Kỳ tích tiếp nối

 

Sau hơn 10 năm vận hành ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 1, ngày 23/9/2005, ngành Điện Việt Nam lại đánh dấu một kỳ tích mới: Hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành ĐZ 500 kV Bắc - Nam mạch 2. Đây cũng là công trình do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu, khẳng định đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

 

Việc đưa vào vận hành 2 mạch ĐZ 500kV Bắc - Nam đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải khai thác Nhà máy Thủy điện Ialy (720 MW); giải quyết thiếu điện rất lớn ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội trong giai đoạn 2005 - 2008, tránh nguy cơ xảy ra sự cố hay sửa chữa ĐZ mạch 1 buộc phải sa thải từ 1.150 MW đến 1.300 MW công suất hệ thống điện miền Bắc, gây mất điện diện rộng.

 

 

Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông do 23 đơn vị cùng tham gia thực hiện

 

Năm 2011, Quy hoạch điện VII được phê duyệt, hàng loạt dự án sản xuất điện được đầu tư và đi vào vận hành như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3… đặt áp lực lên hệ thống truyền tải điện. Với nhu cầu sử dụng điện tăng trên 8% năm từ 2011 đến 2030 thì sản lượng điện sẽ phải lên tới 570 tỷ kWh. Trước tình hình đó Chính phủ đã giao cho EVN, EVNNPT triển khai xây dựng đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

 

Với sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà trực tiếp là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, đến tháng 5/2014, công trình được đóng điện đưa vào vận hành, qua đó đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo.

 

Năm 2018, tiếp nối cung đoạn ĐZ 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Chính phủ quyết định giao EVN/EVNNPT triển khai xây dựng ĐZ 500kV mạch 3 đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do thiên tai lũ lụt và đại dịch COVID-19, sau 4 năm, EVNNPT đã hoàn thành đóng điện công trình này. Công trình hoàn thành giúp tăng cường năng lực truyền tải lưới điện 500kV của hệ thống điện quốc gia, góp phần giải tỏa công suất nguồn nhiệt điện và đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh trong trong khu vực. Đó thực sự là "trục xương sống" của hệ thống điện quốc gia theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn, ổn định cung cấp và chất lượng điện, đồng thời tạo điều kiện để khai thác tối ưu các nguồn điện hiện có trong hệ thống.

 

Viết tiếp bản anh hùng ca

 

Vào cuối mùa khô năm 2023, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt ở miền Bắc dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến, hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam liên tục vận hành quá tải, dẫn đến vận hành hệ thống điện căng thẳng. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN và các bên liên quan phải khẩn trương có các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tiến độ ĐTXD dự án ĐZ 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối trong tháng 6/2024.

 

Dự án ĐZ 500kV mạch 3 ở phía Bắc có chiều dài 519 km, được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 22.3.00 tỉ đồng, gồm 04 dự án thành phần. Dự án này được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII để thực hiện truyền tải điện liên miền ra miền Bắc, tăng khả năng cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tới.

 

Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành và 9 địa phương để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án ĐZ 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: Trước đây, việc xây dựng ĐZ 500kV mạch 1 dài khoảng 1.500 km mất khoảng 2 năm. Do đó, Dự án ĐZ 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối dài hơn 500 km nếu vẫn theo tiến độ của mạch 1 sẽ mất thời gian bằng 1/3 của 2 năm. Tuy nhiên, với điều kiện tốt hơn hiện nay về kinh nghiệm, công nghệ, trình độ… thì thời gian thi công phải ngắn hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

 

 

Thi công dựng cột ĐZ 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với phương châm “móng không đợi cột, cột không đợi dây”

 

Quyết tâm của Chính phủ, Thường trực Chính phủ là hoàn thành, đưa công trình đặc biệt này vào vận hành trong tháng 6/2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Mục tiêu này là áp lực lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc gì dứt việc đó”.

 

Tại buổi làm việc với EVN ngày 13/01/2024, Thủ tướng đã biểu dương EVN, EVNNPT đã khởi công Dự án với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, "vượt nắng thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết. Đồng thời cũng yêu cầu các địa phương có Dự án đi qua tập trung hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu xây lắp.

 

Cũng tại Hội nghị thúc đẩy tiến độ xây dựng Dự án ĐZ 500kV mạch 3, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương theo tiến độ trong giải phóng mặt bằng; xác định hành lang tuyến; thi công đào hố móng, xây dựng móng cột, dựng cột, kéo dây… Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta phải huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ để triển khai dự án; vừa huy động được sức mạnh tổng hợp, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng Dự án; đồng thời đổi mới tư duy, cách làm, tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, xử lý các khó khăn, tìm được đầu ra cho các vấn đề cần giải quyết”. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp kiểm tra thi công và đôn đốc chỉ đạo thúc đẩy tiến độ dự án.

 

Nhận thức rõ đây là Dự án trọng điểm, cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc từ năm nay, thời gian qua, EVN/EVNNPT đã chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai Dự án. Lãnh đạo EVN cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quá trình triển khai Dự án và ủy quyền cho EVNNPT chủ động hoàn thiện các thủ tục với các mốc tiến độ nhanh nhất vì mục tiêu của Dự án.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVNNPT thành lập Ban chỉ đạo triển khai Dự án của Tổng công ty, thành lập 4 Ban điều hành và 13 Ban tiền phương tại các tỉnh, thành phố để khẩn trương triển khai thi công Dự án. Cuối tháng 10/2023, EVNNPT đã khởi công Dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa, sau đó đồng loạt khởi công vào ngày 18/01/2024 ba dự án còn lại.

 

Để đảm bảo tiến độ dự án, song song với quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư Dự án, EVNNPT đã chủ động sắp xếp, tổ chức triển khai đồng thời các công việc Dự án; bố trí đầy đủ vốn triển khai Dự án; chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong giải phóng mặt bằng, nhận mặt bằng đến đâu tập trung nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu để tổ chức thi công ngay đến đấy, nhất là các hạng mục móng, cột. Đồng thời Tổng công ty đã làm việc với các nhà thầu xây lắp và cung ứng thiết bị. Các nhà thầu đã cam kết cung ứng đầy đủ kịp thời vật tư, thiết bị cho Dự án.

 

Để đảm bảo chất lượng và tiến độ của Dự án, EVNNPT đã huy động tối đa các nguồn lực, làm việc xuyên đêm, không có ngày nghỉ... để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Cùng với đó, lập tiến độ điều hành các dự án theo từng ngày. Ban Chỉ đạo định kỳ hàng tuần họp điều hành các dự án hoặc giải quyết đột xuất tại công trường; triển khai đồng thời bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thi công…

 

 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và EVN vừa qua phát động đợt thi đua 120 ngày đêm xây dựng ĐZ 500kV mạch 3

 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và EVN vừa qua cũng đã phát động đợt thi đua 120 ngày đêm trên công trường Dự án ĐZ 500 kV mạch 3 (kể từ 01/3 - 30/6/2024) với chủ đề “Năm nhất: Tiến độ nhanh nhất; Chất lượng tốt nhất; An toàn - Tiết kiệm nhất; Sáng tạo nhất; Chăm lo đời sống tốt nhất nhằm tạo khí thế sôi nổi trên công trường.

 

Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án trong tháng 6/2024, EVNNPT đang tăng cường đôn đốc các nhà thầu thực hiện nghiêm việc thi công 3 ca, 4 kíp, 24/7, thực hiện 4 tại chỗ, với tinh thần “móng không đợi cột”, “cột không đợi dây”... Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, EVNNPT phấn đấu hoàn thành đóng điện toàn tuyến trước ngày 30/6/2024, đưa Dự án ĐZ 500 kV mạch 3 vào vận hành sớm nhất có thể đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Có thể nói, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên lịch sử, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khí thế thi đua lao động sáng tạo và quyết tâm thần tốc vượt nắng thắng mưa trong quá trình xây dựng công trình ĐZ 500 kV Bắc Nam mạch 1 năm nào đang tái hiện sinh động trên khắp các công trường xây dựng dự án ĐZ 500 kV mạch 3 ra phía Bắc. Tin tưởng rằng, với bản lĩnh, trí tuệ, lòng nhiệt huyết vì dòng điện thiêng liêng của Tổ quốc, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Điện và các lực lượng tham gia dự án ĐZ 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sẽ viết tiếp bản hùng ca về tinh thần cách mạng tiến công thời kỳ đổi mới trên công trình lịch sử này.

 

Lê Hoan

 


Tag:EVNNPT

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang