Thứ Sáu, 22/11/2024 04:37:30 GMT+7
Lượt xem: 1731

Tin đăng lúc 26-10-2023

Làm thế nào để Cần Thơ trở thành Trung tâm công nghiệp, công nghệ cao của các tỉnh phía Nam?

UBND TP.Cần Thơ mới ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án nhằm đánh giá lại hiện trạng và xác định các vấn đề trọng tâm cho phát triển công nghiệp với vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, bao gồm: Ngành chủ lực, hỗ trợ, bố trí không gian và kết cấu hạ tầng. Kết quả của đề án sẽ đóng góp vào nhiệm vụ lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.
Làm thế nào để Cần Thơ trở thành Trung tâm công nghiệp, công nghệ cao của các tỉnh phía Nam?
Sản xuất xe ô tô cũng sẽ thúc đẩy ngành CNHT ở Cần Thơ phát triển

Mục tiêu cụ thể của Đề án là thu hút đầu tư nhằm phát triển các ngành công nghiệp (CN), sản phẩm CN chủ lực như Sản xuất hóa chất (dược phẩm, phân bón…); CN công nghệ cao (điện tử, viễn thông…); cơ khí chế tạo, vật liệu mới; năng lượng mới, năng lượng tái tạo và nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT); chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản. Toàn Thành phố phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 200 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực CNHT, trong đó có trên 50% DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đến hết năm 2025, giá trị sản xuất CN của CNHT chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất CN toàn Thành phố.

 

Thực trạng phát triển công nghiệp của Thành phố

 

Theo kết quả khảo sát 326 DN thuộc 12 ngành CN chủ yếu của Thành phố Cần Thơ về nhu cầu và năng lực cung ứng các sản phẩm hỗ trợ tại chỗ cho thấy, thời gian qua, ngành CNHT Thành phố Cần Thơ chưa phát triển. Nhiều ngành CN thiếu sự đi kèm của các ngành CNHT có liên quan. Số DN tham gia CNHT rất ít. Trong khi đó, theo ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, TP Cần Thơ hiện tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), sau Long An. Tuy nhiên, Cần Thơ chưa thực sự trở thành trung tâm CN lớn có sức cạnh tranh cao của vùng ĐBSCL; tỷ trọng đóng góp của ngành CN Thành phố cho vùng chưa cao, CNHT còn chiếm tỷ lệ thấp; tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao còn thấp.

 

 

Công ty Thép Tây Đô (KCN Trà Nóc 1), ứng dụng robot hàn khung thép vào sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm

 

 

Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút DN quy mô lớn. Các KCN hoạt động theo hướng đa ngành nghề; chưa có KCN chuyên ngành và KCN công nghệ cao. Thị trường KH&CN ở Cần Thơ cũng vẫn còn sơ khai, nguồn cung công nghệ còn ít, số lượng và chất lượng giao dịch còn nhiều hạn chế, thiếu kết nối với các thị trường KH&CN lớn… Quy mô DN trong lĩnh vực CN của Thành phố có đến 96% là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó DN siêu nhỏ là 57%. Ngoài ra, Cần Thơ có số dự án FDI thấp so với các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Theo các chuyên gia, CN phụ trợ ở ĐBSCL và Cần Thơ vẫn còn ở vạch xuất phát. Ngành chế biến thủy sản, gạo vẫn là hai mặt hàng chủ lực trong sản xuất CN và xuất khẩu của Thành phố. Ngành Công Thương Thành phố đang đánh giá lại thực trạng phát triển CNHT, cụ thể là ngành Cơ khí, điện, điện tử… để có hướng mời gọi đầu tư. Hiện nay, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, cảng... của vùng ĐBSCL rất cần sản phẩm CN phụ trợ để thay thế khi bị hư hỏng, nhưng không nhiều DN theo đuổi ngành CN này.

 

Vì vậy, Nhà nước và địa phương cần có chính sách ưu đãi đối với những DN sản xuất sản phẩm phụ trợ, khi CNHT phát triển sẽ thúc đẩy những ngành CN công nghệ, kỹ thuật cao phát triển. TP Cần Thơ hiện có Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai (Công ty Cổ phần Việt Nam Ô tô Cần Thơ) đang hoạt động tại KCN Trà Nóc, công suất giai đoạn 1 khoảng 300- 350 chiếc/tháng (nhà máy đang lắp ráp khoảng 1.000 xe tải (tải trọng 2,5- 3 tấn/chiếc). Đây là ngành CN khá mới mẻ đối với Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sản phẩm CNHT cho ngành CN ô tô ở Cần Thơ vẫn chưa có. Thành phố đã chấp thuận cho Công ty mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy sơn thô và sơn tĩnh điện (hiện Công ty đang tiến hành đầu tư) nhằm đảm bảo quy trình sản xuất cho nhà máy, bởi hiện tại, nhà máy lắp ráp xong xe phải di chuyển lên TP Hồ Chí Minh để thực hiện các công đoạn cuối.

 

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty Cổ phần May Meko (khu công nghiệp Trà Nóc, phường Trà Nóc, Quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ) cho biết: “Hiện nay, may mặc là một trong những ngành CN dẫn đầu của Việt Nam, nhưng phần lớn nguyên phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu. Công ty chỉ mua gòn nhân tạo, chỉ, thùng catton, bao ni lông của các DN sản xuất trong nước (chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh), nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% giá thành trong tổng nguyên phụ liệu đầu vào. Sản xuất hàng may mặc rất nhiều rủi ro, do vậy, phần lớn DN đều nhận gia công sản phẩm cho nước ngoài”. Theo ông Gia, nếu DN nhập nguyên liệu về tự làm ra sản phẩm thành phẩm và xuất khẩu, thì khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào (do tất cả đều nhập khẩu); chỉ cần một kiện hàng không đảm bảo chất lượng là DN gặp khó ngay.

 

Mục tiêu chiến lược là phát triển Khu CNHT ứng dụng CNC

 

Theo Đề án được phê duyệt, giai đoạn 2026 - 2030, Cần Thơ tiếp tục phát triển các ngành CN chủ lực và ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm CN hiện đại, chuyên môn hóa cao. Tổng vốn đầu tư 90.000 - 100.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách 13.500 - 20.000 tỷ đồng; vốn từ DN tư nhân và dân cư 16.200-20.000 tỷ đồng; vốn tín dụng, đầu tư 13.500 - 20.000 tỷ đồng; vốn hợp tác bên ngoài (DN nhà nước, DN ngoài nhà nước, FDI) 40.500 - 55.000 tỷ đồng.

 

Trước mắt, thực hiện Quyết định ngày 21/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng KCN Vĩnh Thạnh với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, giai đoạn 1 với diện tích khoảng 293,7ha, quy mô 15.000-20.000 lao động. Trong đó, dự kiến xây dựng KCN này theo hướng đồng bộ, hiện đại, bố trí đa dạng ngành nghề với loại hình công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và ưu tiên các ngành nghề được khuyến khích đầu tư phát triển. Hiện thành phố Cần Thơ đang có 7 KCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.000ha, giải quyết việc làm cho hơn 43.000 lao động.

 

Nhằm cụ thể hóa định mục tiêu Đề án đặt ra, Thành phố Cần Thơ xác định, tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của địa phương, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển CN của cả nước, bao gồm 03 lĩnh vực chủ yếu là: Sản xuất linh kiện phụ tùng (CNHT sản xuất, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và đồ uống), CNHT phục vụ các ngành CN công nghệ cao và CNHT ngành Dệt may - Da giày), đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Đồng thời, Cần Thơ cũng ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm CNHT; tập trung thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng DN hoạt động trong lĩnh CNHT, nhằm đẩy mạnh sản xuất CN theo chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Những giải pháp chủ yếu

 

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về CNHT và các ngành CN chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi, và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương về phát triển CN chế biến, chế tạo và CNHT.

 

Thứ hai, rà soát, bổ sung và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển CNHT. 

 

Thứ ba, hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư đối với các ngành CNHT, chế biến, chế tạo và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

 

Thứ tư, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, CCN đạt tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

 

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng cho phát triển CN nói chung và CNHT nói riêng.

 

Thứ sáu, nâng cao năng lực DN CNHT, phát triển gắn với bảo vệ thị trường. Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển CNHT và các ngành CN chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển... tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới theo luật pháp Việt Nam và Quốc tế.

 

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định dự án, cấp giấy phép đầu tư, thỏa thuận địa điểm cấp đất, cấp giấy phép xây dựng một cách nhanh chóng.

 

Cần Thơ đang có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nếu biết khai thác và đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, thì chắc chắn Thành phố sẽ khẳng định và xứng đáng giữ vai trò là Trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng ĐBSCL và cả nước.

 

Minh Hiếu


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang