Thứ Năm, 21/11/2024 20:22:12 GMT+7
Lượt xem: 3390

Tin đăng lúc 24-07-2024

Làm thế nào giải bài toán nguyên phụ liệu ngành Dệt May?

Lâu nay, nỗi lo về nguyên phụ liệu luôn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành Dệt may Việt Nam gặp khó. Sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc chưa bao giờ là câu chuyện cũ.
Làm thế nào giải bài toán nguyên phụ liệu ngành Dệt May?
Các DN cần nhận được nhiều ưu đãi chính sách để đầu tư vào nguyên phụ liệu dệt may

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sau hơn 20 năm với nhiều quyết tâm để thúc đẩy phát triển ngành CNHT của lĩnh vực dệt may, năng lực của các DN trong lĩnh vực này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.  

 

Điều hành DN chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt kim, ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc Điều hành Tổng Công ty May Đáp Cầu đánh giá, thuế suất ưu đãi mà các hiệp định thương mại mang lại rõ ràng là một lợi ích lớn để các DN có thể tăng năng lực sản xuất, gia tăng khả năng đáp ứng đơn hàng. Nhưng cái khó hiện nay là nguồn cung nguyên liệu trong nước lại chỉ đáp ứng được phần nào, trong khi đó DN phải loay hoay với bài toán nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài.

 

Ông Thăng nói: “Chúng tôi rất cố gắng để tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới nhưng không thể làm ngay được. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nhà cung cấp về nguyên phụ liệu so với trước đây, nhưng với mặt hàng đặc thù là dệt kim thì hầu hết phải là những nhà cung cấp nước ngoài mới có đủ năng lực và cạnh tranh được về giá để chúng tôi sản xuất”.

 

Theo đại diện của nhiều DN, trong bối cảnh ngành Dệt may trong nước vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu thì việc nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là phương án tối ưu mà các DN lựa chọn. Nếu DN nhập khẩu nguyên liệu từ những thị trường mà quá trình vận chuyển có liên quan đến khủng hoảng ở Biển Đỏ thì câu chuyện lại càng phức tạp hơn. Cho nên, việc lựa chọn nhập khẩu ở thị trường gần, có giá rẻ như Trung Quốc là lẽ đương nhiên. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek) cho biết, có đến 90% nguồn nguyên phụ liệu dệt may của các DN ở TP.HCM đang phụ thuộc vào nhập khẩu (chủ yếu là từ Trung Quốc), trong khi chỉ có 10% là nguồn cung tại chỗ. Nguyên nhân được cho là, tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu trong nước cho ngành Dệt may vẫn còn thấp vì phụ thuộc theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng đưa ra yêu cầu về một số loại chất liệu trong quá trình sản xuất kèm theo mức giá thích hợp. Do nguồn cung nội địa chưa đáp ứng được những yêu cầu này nên các DN buộc phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc.

 

Bà Trần Thị Phương Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP May Chiến Thắng cho biết, vấn đề nguyên liệu đang là cản trở rất lớn để ngành Dệt may phát triển bền vững và tận dụng lợi thế từ các FTA. DN luôn mong muốn tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước nhưng gặp không ít khó khăn. Bà Phương Anh nhấn mạnh: “Hiện cố gắng lắm chúng tôi có thể đáp ứng được khoảng từ 60 - 70% nguồn nguyên liệu trong nước, bởi phần lớn bị hạn chế cả về số lượng và chất lượng nguồn cung. Chúng ta đã quyết tâm đầu tư cho phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may nhiều năm qua song thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu”.

 

 

Ngành CNHT dệt may đang còn rất nhiều hạn chế

 

Theo dữ liệu thống kê, tính riêng hai tháng đầu của năm 2024 tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu ngành Dệt may (gồm bông, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu), tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,1 tỷ USD. Điều này cũng phần nào cho thấy, để chuẩn bị phục vụ cho sản xuất thì các DN đang gia tăng hàng tồn kho nguyên vật liệu, nhất là giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã dần khả quan hơn từ quý 3/2023 cho đến nay.  

 

Tuy nhiên, các DN dệt may hiện đang phải đối mặt với những thách thức từ các Hiệp định Thương mại tự do. Theo đó, các mặt hàng Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải, hoặc sợi trở đi. Trong bối cảnh CNHT của ngành Dệt may còn rất hạn chế, đòi hỏi ngành cần những giải pháp nhanh và hiệu quả hơn.

 

Trong khi những DN dệt may loay hoay tìm kiếm nhà cung cấp tại thị trường trong nước thì có những DN nguyên phụ liệu trong nước lại thiếu nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất. Nhà máy Sản xuất sợi gai An Phước - Viramie là dự án gắn trồng trọt với chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp sản xuất sợi. Công suất của nhà máy có thể đạt 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm. Dù vậy, sau 5 năm đi vào hoạt động, nhà máy này vẫn chỉ hoạt động cầm chừng mà chưa thể vận hành đủ 100% công suất. Lý do mà đại diện DN đưa ra là do thiếu nguồn vốn và các cơ chế, chính sách hỗ trợ để mở rộng vùng trồng nguyên liệu cho sản xuất.

 

Theo nhiều chuyên gia, Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2022, định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc triển khai Chiến lược vẫn khá chậm chạp.

 

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ngành CNHT của Việt Nam nói chung và CNHT dệt may nói riêng đang còn rất nhiều hạn chế. Theo đó, hiện việc phát triển CNHT dệt may có thể nói là đang bị “bỏ trống” khi có đến 80% nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may phải nhập khẩu. Con số hơn 2 tỷ USD mà các DN phải chi ra mỗi tháng để nhập nguyên liệu như bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành Dệt may, Da giày… cho thấy dư địa thị trường rất lớn. Chưa kể, việc chưa tự chủ được phần nguyên phụ liệu đã ảnh hưởng rất nhiều đến lợi thế về giá của sản phẩm khi xuất khẩu.

 

Có thể nói bài toán giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập, tự chủ nguồn cung nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành Dệt may vẫn sẽ là vấn đề cấp thiết lúc này. Sự đầu tư linh hoạt đầu tư vào công nghiệp phụ trợ có thể là một phương án giải quyết khó khăn. Ngoài ra, các chính sách cũng cần khuyến khích được những DN có tiềm lực mạnh trong nước mạnh dạn đầu tư xây dựng những nhà máy có công suất lớn để cung ứng nguyên phụ liệu dệt may. Bên cạnh đó là cần thêm những chính sách có tính hiệu quả cao nhằm khuyến khích các DN nội địa đầu tư, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hàng dệt may xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu xanh.

 

Phương Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang