Từ mối lo của doanh nghiệp
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), những khó khăn, lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp CNHT trong bối cảnh hiện nay đến từ cả phía cung và cầu.
Khó khăn lớn nhất về phía cung của các doanh nghiệp là việc không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa do các quy định về phòng dịch phức tạp và không thống nhất giữa nhiều địa phương. Trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có đặc trưng là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng – trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, một số quy định về phòng chống dịch bệnh cần phải được điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng.
Dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, nên về phía cầu, các đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da – giày, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới do đàm phán từ trước. Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Và dĩ nhiên, đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Trước thách thức cùng mối lo cung cầu ấy, thì đâu là hy vọng, giải pháp khả dĩ cho các doanh nghiệp CNHT trong thời gian tới? Theo các chuyên ga dự báo, kinh tế thế giới sẽ có thể tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da – giày, chế biến nông sản, thủy sản… sẽ tăng mạnh trở lại.
Đến giải pháp và hy vọng
Có thể nói, mặc dù đã rất nỗ lực và áp dụng nhiều sáng kiến trong sản xuất để thích nghi với tình hình dịch bệnh, tuy nhiên triển vọng đạt mục tiêu của các ngành CNHT trong năm nay không mấy khả quan do các biện pháp giãn cách xã hội tại các địa phương kéo dài. Do đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực và những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp CNHT vẫn đang phải đối mặt. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn… thì việc đẩy nhanh tiêm phòng vaccine cho doanh nghiệp và các lao động các lĩnh vực sản xuất là vô cùng cần thiết.
Ngày 20/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”. Về chủ trương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng. Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Hiện nay, nhiều thành phố lớn của cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho người dân để mở rộng “vùng xanh”, tạo tiền đề nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ dịch bệnh là điều không thể, nên chủ trương của các thành phố là không theo đuổi Zero F0, mà chấp nhận chủ động chung sống hòa bình, an toàn với việc có F0 trong cộng đồng.
Nhờ đó đến nay, tại nhiều huyện, thị xã "vùng xanh" theo Chỉ thị số 20/CT-UBND của thành phố Hà Nội, không khí sản xuất tại nhiều nhà máy, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố đã tất bật trở lại. Trong khi đó, các quận, huyện ở TP.HCM đang đẩy mạnh tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19, đồng thời bảo vệ các vùng xanh, thiết lập ấp/tổ dân phố an toàn, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Với liệu pháp vaccine cùng sự nỗ lực bằng các giải pháp hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, tin rằng các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam sẽ sớm giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong thời gian tới.
Minh Phương