Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 04/7/2024 đến -08/7/2024 với trên 100 gian hàng sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP các vùng miền và khu trưng bày trải nghiệm du lịch làng nghề và khu trưng bày sản phẩm về mít của các đội tham gia Hội thi, với trên 1.000 sản phẩm tham gia Sự kiện đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, 09 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và 15 tỉnh, thành phố trong nước hội tụ tại Sơn Tây.
Không gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm chế biến từ mít. Ngoài sản phẩm mít cảnh, đồ thờ gỗ mít, còn có tới hàng chục món ăn được chế biến từ mít vừa thơm ngon vừa bắt mắt như: Múi mít, thạch mít, sữa chua mít, mít sấy, giò mít, bánh phu thê mít, trà mít chanh leo..
.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết: Sơn Tây - mảnh đất hai vua gắn với bề dày lịch sử của văn hóa xứ Đoài, với thổ nhưỡng của dẻo đất vùng bán sơn địa đặc trưng là đá ong - nguồn cung cấp dồi dào các loại vi lượng, đã hun đúc cho các loại cây trồng và đặc biệt là cây mít có hương vị múi thơm ngon, giòn ngọt tinh túy và gỗ mít chất lượng cũng tốt khác biệt so với các vùng trồng khác. Chính vì vậy, việc phát triển trồng mít đối với Hà Nội nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là một trong những nội dung quan trọng kết nối của các tour tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, làng nghề và trải nghiệm với du khách trong nước và quốc tế.
Chị Vương Thị Luyến - Đội thi xã Xuân Sơn cho biết, tham gia Hội thi mít năm nay, xã có 9 sản phẩm: Hạt mít luộc, dái mít chấm muối, xôi hạt mít, dưa mít muối chua, thạch mít, sữa chua mít, thịt kho mít non, xôi mít, trà mít chanh leo, rượu mít,... các sản phẩm đều được sản xuất từ mít tuyển lựa, mít chín cây có hương vị thơm ngon, đảm bảo ATVSTP
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND Thị xã Sơn Tây tổ chức Hội thi tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội năm 2024, nhằm tôn vinh các nhà vườn có cây mít mang lại giá trị kinh tế cao, những giống mít chất lượng và kỹ năng chế biến các sản phẩm từ mít, sản phẩm thủ công mỹ nghệ lấy ý tưởng sáng tạo từ mít; từ đó đưa sản phẩm mít hòa nhập vào hệ sinh thái sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mít đặc sản Hà Nội nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn.
Chị Đặng Thị Thoa - Đội thi Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh, Bộ Quốc phòng chia sẻ: Năm 2023, tham dự Hội thi mít do thị xã Sơn Tây tổ chức, đơn vị đã đoạt giải Nhì. Năm nay, đơn vị rất phấn khởi tham gia vì Hội thi do Thành phố tổ chức. Từ mít của đơn vị, chúng tôi đã làm ra nhiều sản phẩm chất lượng dự thi như: Xôi mít, thạch mít, sữa chua mít, bánh phu thê mít,... Để làm ra những sản phẩm này mất nhiều công đoạn và thời gian cũng như đòi hỏi sự khéo tay và có con mắt nghệ thuật
Hà Nội hiện nay có 1.135 ha trồng mít, năng suất bình quân đạt 147,23 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 14.075 tấn/năm. Các giống mít được trồng khá đa dạng và phong phú về chủng loại, bên cạnh những giống mít truyền thống đặc sản của Hà Nội như: Mít dai Sơn Tây; mít dai Cổ Loa - Đông Anh; mít Na Ba Vì..., còn có một số giống mít nhập nội với đặc điểm ra quả sớm, quả sai như mít Thái da xanh, mít nghệ siêu sớm, mít ruột đỏ. Mít được trồng tập trung ở một số huyện, thị xã như: Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai… Hà Nội có 28 cây mít chất lượng cao, có tuổi đời từ 80 đến trên 100 năm, đặc biệt có cây mít cổ thụ tại Cổ Loa - Đông Anh đã được công nhận là cây di sản Quốc gia với trên 500 tuổi.
Các sản phẩm thực phẩm chế biến từ mít được bày trí đẹp mắt, hấp dẫn người xem. Các đơn vị dự thi đều tươm tất mời khách thăm quan dùng thử và thưởng thức vị ngon của mít
Rất nhiều các sản phẩm đã được chế biến từ mít, nhiều sản phẩm chất lượng đã đạt chứng nhận OCOP như mít khô, mít sấy, làm nguyên liệu các món chè, xôi mít, nhút, đồ chay … đây đều là sản phẩm thân thuộc gắn với nông thôn Hà Nội cũng như người dân Việt Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề được tạo ra từ gỗ mít mang lại giá trị kinh tế cao như nhà cổ truyền thống, tượng, đồ trang trí....
Ban Tổ chức trao giải cho các đơn vị dự thi
Tham gia Hội thi năm nay có 17 đội thi của 7 huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn. Kết quả, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây đoạt giải Đặc biệt; Đội xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ đoạt giải Nhất; Đội xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ và Đội xã Đường Lâm - thị xã Sơn Tây đoạt giải Nhì…Giải cây mít ngon Nhất được trao cho chủ hộ Đội xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Các giải thưởng cho các đội thi có clip thuyết trình hay nhất, trưng bày, trang trí các sản phẩm từ mít đẹp nhất, gồm: Giải Nhất xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây; 02 giải Nhì (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Lữ đoàn 45) và 03 giải Ba, 04 giải Khuyến khích.
Người tiêu dùng háo hức dùng thử và mua sắm các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của Hà Nội và các địa phương đồng bằng Sông Hồng
Sự kiện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch văn hóa, làng nghề, nông nghiệp, nông thôn tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Thành phố; quảng bá giới thiệu tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội; hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp, HTX, chủ thể đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, là điểm tựa để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn bền vững, phát triển chế biến sâu, chế biến tinh gắn với du lịch là tiền đề hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, sự kiện còn mang tới cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề có chất lượng cao, đảm bảo an toàn với giá cả hợp lý.
Minh Ngọc