Thứ Sáu, 22/11/2024 08:27:43 GMT+7
Lượt xem: 1662

Tin đăng lúc 30-04-2020

Nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai

Đồng Nai là địa phương nằm trong top đầu cả nước về thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tính đến cuối năm 2019, tỉnh đã thu hút được trên 600 doanh nghiệp CNHT, trong đó tập trung vào các nhóm ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo và thu hút 20% số lao động toàn ngành công nghiệp.
Nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai
Đồng Nai hiện đã thu hút được 664 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT trong đó có nhóm ngành dệt may, da giày

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào CNHT ngày càng nhiều và đa dạng về ngành nghề. Tại Đồng Nai, có 4 lĩnh vực CNHT thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đó là: Sản xuất linh - phụ kiện cho ngành dệt may, giày da; sản xuất thiết bị cho các loại máy móc; sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất các sản phẩm hóa chất. Các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động và đều ưu tiên thu hút đầu tư CNHT. Ngoài ra, Đồng Nai còn thành lập 3 phân khu chuyên thu hút CNHT.

 

Để phát triển ngành CNHT, tỉnh đã và đang phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo, đặc biệt là các chính sách về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý… Việc xây dựng chiến lược đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNHT cũng được xem là giải pháp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, bởi việc nâng cao trình độ công nghệ chính là chìa khoá để phát triển CNHT.

 

Theo ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nhận định: “Đồng Nai thực hiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc đã nhiều năm nên dòng vốn FDI vào tỉnh đúng theo yêu cầu. CNHT chiếm hơn 60% và trở thành nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào lớn cho cả nước và xuất khẩu. Điều này tạo sức hút lớn cho nhà đầu tư FDI vì doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh dễ tìm được nguồn nguyên liệu ngay trong tỉnh”.

 

Trên địa bàn tỉnh, hiện nhiều sản phẩm đầu ra của DN này là đầu vào của DN kia nên trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng xúc tiến thương mại đầu tư trong nước. Hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thông qua việc xây dựng các trang website chuyên ngành CNHT, xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ, thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ DN, các chương trình quảng bá thương hiệu… để làm cầu nối giữa DN CNHT với các DN khác trong tỉnh cũng như trong và ngoài nước.

 

Để tiếp sức cho các doanh nghiệp CNHT, UBND tỉnh Đồng Nai đang dự thảo kế hoạch phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến gần 60 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 21 - 23% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Địa phương cũng đang hoàn thiện thông tin dữ liệu DN ngành CNHT, tạo cầu nối gắn kết DN CNHT với DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Đồng thời, trong định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đến năm 2030, tỉ trọng công nghiệp của Đồng Nai sẽ chiếm từ 53% - 54% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh này. Cùng với đó, Đồng Nai cũng sẽ tập trung xây dựng một số cụm liên kết công nghiệp nhằm tập trung phát triển DN CNHT trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

 

Thái Bình


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang