Thứ Sáu, 22/11/2024 10:39:44 GMT+7
Lượt xem: 4185

Tin đăng lúc 18-07-2019

Ninh Bình: Làm thế nào để phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp?

Trước nay, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) vẫn là thế mạnh của Ninh Bình. Tuy nhiên, rất nhiều làng nghề đang phát triển tự phát hoặc đứng trước nguy cơ mai một, mất dần thị trường.
Ninh Bình: Làm thế nào để phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp?
Các nghệ nhân làng nghề gốm Gia Thủy đang hoàn thiện sản phẩm.

Phát triển làng nghề chính là một trong những trăn trở lớn của ngành Công Thương nói chung cũng như Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Ninh Bình nói riêng. Tỉnh này hiện có 200 làng nghề với 10 nghề chính gồm: Chế biến cói, thêu ren, đá mỹ nghệ… Trong đó, một số làng nghề đang phát triển tương đối ổn định, như làng nghề gỗ Phúc Lộc, chế tác đá Ninh Vân, gốm Bồ Bát. Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đang tạo ra giá trị kinh tế lớn cho địa phương này, tạo việc làm cho 15.000 lao động với thu nhập trung bình 40 triệu đồng/người/năm.

 

Dù tỏ ra thích ứng nhanh với xu thế thị trường, làm ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng và vươn ra xuất khẩu thế giới nhưng nhìn chung sự phát triển của các làng nghề ở Ninh Bình vẫn còn trầm lắng. Ngoài một số làng đã có danh tiếng lâu đời (làng cói Kim Sơn, làng thêu Văn Lâm…), hầu hết các làng nghề truyền thống đang rơi vào tỉnh cảnh thiếu lao động, thiếu máy móc, thiết bị hiện đại, dẫn đến thiếu tính cạnh tranh. Đó là chưa kể một số làng nghề sản xuất, chế tác còn gây ảnh hưởng tới môi trường.

 

 

Phơi hàng cói xuất khẩu tại huyện Kim Sơn.

 

Sự phát triển tự phát của các làng nghề cũng khiến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khó tiếp cận. Do vậy, Ninh Bình đã xây dựng những chương trình, chính sách khuyến công đặc thù để hỗ trợ tốt hơn cho các làng nghề. Có thể kể đến là các ưu đãi về tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các làng nghề phát triển mẫu mã sản phẩm mới, liên kết doanh nghiệp thương mại và người sản xuất tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 

Đặc biệt, Ninh Bình cũng ưu tiên lồng ghép vốn từ chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, phát động phong trào mỗi xã một sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư công nghệ tiên tiến, đăng ký thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm nhằm tìm đầu ra ổn định, duy trì sự phát triển ổn định của các làng nghề.

 

Hiệu quả đã bước đầu được ghi nhận ở một số địa phương cụ thể. Đơn cử như làng nghề gốm Gia Thủy (huyện Nho Quan) được UBND xã Gia Thủy ưu tiên dành 5.000 m2 quy hoạch khu sản xuất gốm tập trung và 9.800m2 khu nguyên liệu để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét phục vụ cho sản xuất làng nghề. Đến nay, làng nghề có 6 nghệ nhân được công nhận và có gần 30 hộ làm nghề và kinh doanh gốm. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và bán ra thị trường trên 40.000 sản phẩm, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Gốm Gia Thủy hiện đã có mặt ở rất nhiều tỉnh thành lớn thông qua các hợp đồng, đại lý và cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Khách hàng ngoại quốc như Nhật Bản, Hà Lan cũng rất ưa chuộng sản phẩm gốm Gia Thủy và nhiều đối tác đã ký kết hợp đồng hợp tác lâu dài.

 

Một ví dụ khác là các làng nghề truyền thống ở xã Kim Chính (huyện Kim Sơn). Những năm qua, các làng nghề này đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động với mức thu nhập ổn định từ 100.000 – 160.000 đồng/người/ngày. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, xã Kim Chính đã triển khai nhiều giải pháp như: quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân được vay vốn mua sắm các trang thiết bị mở rộng sản xuất, tham gia các lớp đào tạo nghề và nâng cao tay nghề tiếp cận những mẫu mã mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ thu nhập từ sản xuất các mặt hàng, sản phẩm nghề truyền thống, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 4,9%.

 

Phương Văn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang