Song, thực tế cho thấy ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do quy mô các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết với nhau; trình độ công nghiệp còn hạn chế; năng lực tài chính chưa thực sự vững chắc. Cùng với đó là việc Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống các nhà cung cấp chuyên nghiệp các mặt hàng như nguyên liệu, cụm linh kiện và phụ tùng. Điều này là rào cản khiến các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ chưa phát huy tốt vai trò của mình trong bối cảnh hiện nay.
Điển hình là ngành dệt may, hiện nay ngành này mới chỉ mạnh ở khâu may, một số khâu khác như sợi, dệt, nhuộm hoàn tất… vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Các sản phẩm hỗ trợ cho ngành dệt may mới chỉ tập trung chủ yếu công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, chỉ dây, khóa keo, băng chun, băng dính…. Các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất - chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải đều phải nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm còn thấp. Tính riêng năm 2015, dệt may Việt Nam xuất được 27,5 tỷ USD thì phải nhập tới 14 tỷ USD nguyên liệu. Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì các DN vừa và nhỏ nếu muốn đầu tư vào ngành dệt, nhuộm là vô cùng khó khăn, bởi tiềm lực kinh tế của các DN này còn hạn chế, trong khi nhân sự cho ngành này yêu cầu rất cao, công nghệ máy móc cũng cần hiện đại mới đáp ứng được sản phẩm sợi, vải, phụ liệu chất lượng cao. Đặc biệt là việc đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường đối với các DN dệt, nhuộm là vô cùng tốn kém.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Samsung là một trong những DN đang tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các DN Việt Nam. Đại diện lãnh đạo của Sam Sung cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam thật sự có tiềm năng và năng lực, chỉ cần được hỗ trợ bài bản, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung. Năm 2016, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi này đã tăng gấp 3 lần so với năm 2015: Từ 4 nhà cung ứng cấp 1 đã tăng lên con số 12. Ngoài ra còn có 178 nhà cung ứng cấp 2 ở cả 2 miền Nam, Bắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây chỉ là những nhà cung ứng về bao bì và in ấn, chứ chưa có cung ứng về những sản phẩm công nghệ cao.
Hay đối với ngành ô tô, vấn đề khó là thị trường này rất nhỏ, phân tán, khó có thể thu hút các nhà đầu tư vào làm công nghiệp hỗ trợ. Ví dụ như hiện nay có nhiều DN làm gia công cho Công ty Honda Việt Nam, nhưng tôn dập vỏ xe; sắt, thép chất lượng cao để làm trục bánh răng và các chi tiết, DN đều phải nhập khẩu. Đáng chú ý, hiện nay các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ô tô rất sẵn sàng, nhưng lại chưa giải quyết được bài toán đầu vào và đầu ra cho sản phẩm; bởi chưa có sự thống nhất về quan điểm, chính sách giữa các cơ quan quản lý.
Để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế của mình, thiết nghĩ, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành để cùng xác định, tập trung phát triển một số lĩnh vực có thế mạnh, có chính sách ưu tiên tập trung chứ không dàn trải. Đặc biệt là phải tạo được động lực giúp các doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ trong nước được tiếp cận với những xu hướng, giải pháp công nghệ mới; nhất là trong lĩnh vực thiết kế, quản lý sản xuất, ứng dụng phần mềm tích hợp để gia tăng tốc độ sản xuất – gia công. Bởi khi áp dụng các công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp sẽ nâng cao được chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm; đồng thời tăng tính bảo mật cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay./.
Hoàng Liên