Theo Tổng cục thống kê, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6% và 27,8% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Lưu lượng khách đến mua sắm ở các trung tâm thương mại tại TPHCM và Hà Nội cũng giảm xấp xỉ 80% trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra. Tuy nhiên, việc doanh số thị trường bán lẻ sụt giảm lại giúp TMĐT và kinh doanh mua sắm trực tuyến trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm chưa từng thấy của các DN và người tiêu dùng. Kết quả khảo sát của Tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng tại vùng châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi cho biết sẽ tăng mua hàng online.
Lợi thế của TMĐT đó là giúp DN tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị tới khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được tối đa mọi nguồn lực. Ngày nay, thói quen của người tiêu dùng cũng đang dần thay đổi, đặc biệt là giới trẻ luôn đồng hành cùng các thiết bị thông minh và dễ dàng thích nghi với việc mua hàng trực tuyến tiện lợi và nhanh chóng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay chiếc máy tính là họ có thể đặt hàng và được đáp ứng nhu cầu tận nơi mà không cần phải đi bất kỳ đâu. Vì vậy, mặc dù trong mùa dịch bệnh nhưng bán lẻ đa kênh và bán lẻ trực tuyến vẫn hoạt động khá tốt, các sản phẩm từ hàng tiêu dùng đến các hàng xa xỉ phẩm đều có thể được giao dịch trên các sàn TMĐT. Đây được coi như một đòn bẩy để kích cầu được người tiêu dùng mua sắm trong bối cảnh mới.
Tại thị trường Việt Nam, trong số những tên tuổi lớn ở lĩnh vực TMĐT, Tiki nổi lên là một sàn TMĐT phát triển với tốc độ nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút; hay Grab đã kích hoạt một nền tảng mới 'GrabMart' để phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm tại nhà của khách hàng… Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều DN chú trọng nhiều hơn vào TMĐT, coi đây là một kênh quan trọng và tiềm năng trong việc phân phối sản phẩm hàng hóa dịch vụ của mình thay vì chỉ tập trung vào các kênh truyền thống như trước đây.
Tiki nổi lên là một sàn TMĐT phát triển với tốc độ nhanh nhất tại VN
Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ tăng trưởng bình quân cao, 4 tỷ USD vào năm 2015 tăng lên 8 tỷ USD vào năm 2018 và nếu tiếp tục tăng trưởng ở mức 30% thì năm 2020 quy mô thị trường TMĐT dự kiến sẽ lên tới 13 tỷ USD. Về dài hạn, sự tăng trưởng doanh thu TMĐT sẽ là một nền tảng vững chắc cho bất kỳ sự phát triển nào trong tương lai ở thị trường bán lẻ.
Có thể thấy, TMĐT đang là cánh cửa thoát hiểm, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các DN Việt, nhất là các DN kinh doanh truyền thống đang bế tắc do những khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của TMĐT cũng mang lại những thách thức không nhỏ, đó là sự cạnh tranh gay gắt đến từ các “ông lớn” TMĐT trên thế giới như Amazon, Alibaba, eBay… chỉ trong năm 2019, các sàn TMĐT như Adayroi, Lotte.vn, Robins.vn hay VuiVui đã phải “tạm biệt” cuộc chơi do không đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, nhiều DN trong nước khi tham gia TMĐT lại không linh hoạt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nên gặp khó khăn khi phải quản lý đơn hàng, hàng tồn kho, doanh thu… dẫn đến thất bại.
Ngoài ra, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều trên kênh bán hàng trực tuyến cũng là một vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nhiều DN, mất niềm tin của người tiêu dùng. Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, chỉ tính trên các sàn TMĐT như Sendo, Shopee, Lazada, Tiki, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã xử lý khoảng trên 11.400 gian hàng và 26.400 sản phẩm vi phạm. Qua đó thấy rằng, TMĐT cũng là môi trường béo bở của những trò buôn gian bán lận, lừa dối khách hàng hoành hành.
Theo ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ (Bộ Công Thương): Hiện nay, các nền tảng hỗ trợ giao dịch TMĐT tại Việt Nam là tương đối tốt. Điều quan trọng là DN cần sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao dịch có uy tín, từ việc xác thực thông tin, xử lý tranh chấp khiếu nại, qua đó xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Ông Lê Đức Anh cho biết, hiện Bộ Công Thương đã có một đề án với nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN tham gia TMĐT như: Hỗ trợ DN về chuyển phát; hỗ trợ DN vay vốn ngân hàng để kinh doanh trên TMĐT; hỗ trợ DN đưa sản phẩm lên môi trường TMĐT… Mục tiêu trong năm 2020 của Bộ Công Thương là đưa các DN sản xuất lên các sàn TMĐT, đồng thời thúc đẩy Gian hàng quốc gia trên các sàn TMĐT nhằm hỗ trợ các DN trong nước phát triển.
Có thể thấy, Việt Nam đang ở thời điểm có đà phát triển tốt về TMĐT. Trong bối cảnh mới, với nỗ lực của các DN, cùng sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ giúp TMĐT Việt Nam phát triển ổn định, phấn đấu vươn lên nhóm ba nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và trở thành thị trường tiềm năng nhất khu vực theo như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra cho TMĐT Việt Nam giai đoạn 2021-2025./.
Quỳnh Anh