Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp với nguồn nguyên liệu nông – lâm – thủy sản dồi dào; Tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao và có khả năng sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường ở cả trong nước lẫn quốc tế.
Nhằm khai thác tối đa cũng như phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thời gian qua, Phú Yên đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành Công nghiệp với tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã xác định các ngành công nghiệp cần được ưu tiên phát triển gồm: Chế biến nông – lâm – thủy sản gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; Dược phẩm, dệt may, sản phẩm từ công nghệ mới, công nghiệp phần mềm và nội dung số, hóa chất, năng lượng, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo. Trong đó, CNHT sẽ là tiền đề xây dựng lên những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, đến nay, Phú Yên đã hình thành 14 khu, cụm công nghiệp với hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Điều này đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CNHT nói riêng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ vậy, trong nhiều năm liền, ngành Công nghiệp tỉnh Phú Yên luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao, bám sát định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp. Trong đó, tăng mạnh nhất là tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; Cơ cấu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.
Từ những kết quả đã đạt được của ngành Công nghiệp, thời gian tới, Phú Yên tiếp tục định hướng phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đồng thời, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao và phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển ngành CNHT nhằm tạo ra sự phát triển đột phá cho nền kinh tế và thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, đưa Phú Yên sớm trở thành một tỉnh công nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, UBND tỉnh Phú Yên đã và đang xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và trực tiếp nước ngoài, trong đó có chính sách thu hút nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp để hỗ trợ thúc đẩy phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, bổ sung chính sách thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển CNHT; Khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong nước và nước ngoài có quy mô lớn. Trước mắt, tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo nguồn lực lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cần ưu tiên, bố trí các nguồn vốn đầu tư công, cũng như nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng các khu, cụm CNHT tập trung nhằm tạo ra sự liên kết ngành; Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu để tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp tỉnh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương ban hành chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh sau khi Trung ương điều chỉnh Chương trình phát triển CNHT quốc gia; Thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước; Tìm kiếm, mở rộng các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết; Triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến chế tạo ưu tiên phát triển tham gia hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng cơ chế và các giải pháp phát triển các doanh nghiệp CNHT trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử. Trong đó, ưu tiên phát triển doanh nghiệp CNHT để sản xuất các sản phẩm công nghệ 5G, công nghệ IoT, AI, Robotic...; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các cơ chế chính sách về CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của các ngành, địa phương và toàn xã hội về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT.
Đặc biệt, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch để phát triển CNHT nhằm tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; Hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao để phục vụ sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ công nghệ cao như điện tử, bán dẫn…
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã tập trung hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống xử lý nước thải các cụm công nghiệp phục vụ các dự án sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh; Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và tuyển dụng lao động cho nhu cầu sản xuất; Quan tâm vận động, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực hiện đầu tư phát triển.
Anh Tuấn