Thứ Bẩy, 23/11/2024 23:44:37 GMT+7
Lượt xem: 3534

Tin đăng lúc 11-09-2019

Quảng Nam: Đầu tư công nghệ vào sản suất công nghiệp nông thôn

Những năm qua, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn tại tỉnh Quảng Nam đang phát triển theo chiều hướng tích cực, góp phần ổn định thu nhập cho lao động tại địa phương. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn đang từng bước tiếp cận công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất đem lại nhiều kết quả khả quan.
Quảng Nam: Đầu tư công nghệ vào sản suất công nghiệp nông thôn
Ứng dụng máy móc vào sản xuất tại cơ sở sản xuất dầu phụng nguyên chất của vợ chồng anh Đặng Văn Hồng

Đơn cử như cơ sở sản xuất dầu phụng nguyên chất của vợ chồng anh Đặng Văn Hồng (tổ 3, thôn Bình An, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình). Thời gian đầu khởi nghiệp, cơ sở sản xuất của anh Hồng gặp không ít khó khăn. Với số vốn 30 triệu đồng, cơ sở đã mạnh dạn vay mượn thêm 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc. Trong những tháng đầu vận hành, máy móc hư hại, cơ sở đã lỗ hàng chục triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng sản xuất, Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Thăng Bình từ nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ 145 triệu đồng cho cơ sở của anh Hồng đầu tư máy móc hiện đại. Với việc ứng dụng hệ thống máy móc mới, đậu phụng sau khi đã được xạc, bóc vỏ sẽ cho vào sấy giúp ấm đậu và tiếp theo sẽ cho vào máy ép, sau đó lọc áp suất bằng hơi để tạo ra dầu phụng và cuối cùng là đóng chai, rất tiết kiệm thời gian và công sức lao động. Chủ cơ sở chia sẻ: “Ưu điểm thì rất nhiều, bà con đỡ tốn công hơn mà mình cũng không nhọc, đa số là máy móc làm. Thời gian phơi đậu ít hơn mà cho ra sản phẩm dầu nhiều hơn. Máy này không chỉ ép được đậu phụng, mè, mà còn có thể ép được nhiều nông sản khác”. Đến nay, cơ sở của anh Hồng có thể sản xuất được 5.000 lít dầu các loại mỗi năm, doanh thu hằng năm từ 400 - 500 triệu đồng. Không chỉ vậy, cơ sở của anh còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

 

 

Làng nghề phở sắn Đông Phú tại huyện Quế Sơn nâng cao năng suất chất lượng nhờ đầu tư hệ thống máy móc hiện đại

 

Làng nghề phở sắn Đông Phú tại huyện Quế Sơn là một trong những làng nghề được tỉnh Quảng Nam chú trọng phát triển. Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 15 hộ gia đình và hơn 50 lao động tham gia sản xuất phở sắn. Việc sản xuất phở sắn của gia đình bà Trần Thị Thu Thủy (khu dân phố Thuận An, thị trấn Đông Phú) đã thuận tiện hơn nhờ vào ứng dụng hệ thống sấy phở tự động. Bà Thủy cho biết: “Phở sắn là nghề truyền thống của huyện Quế Sơn nói chung, thị trấn Đông Phú nói riêng nên gia đình tôi luôn tâm niệm giữ nghề sản xuất truyền từ đời này sang đời khác. Nỗi khổ phải ngưng sản xuất phở mỗi khi trời mưa đã được giải quyết khi chúng tôi được Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại & Quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) Quảng Nam hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy phở tự động. Rất mừng là được thao tác chế biến phở quanh năm và thu nhập của gia đình đã tăng lên rất đáng kể”. Nhờ ứng dụng công nghệ mới, gia đình bà Thủy đã tăng quy mô sản xuất, khối lượng phở thành phẩm gấp đôi trước đây, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường được chừng 50kg phở sắn. Trước đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quế Sơn cũng đã hỗ trợ kinh phí để hộ gia đình ông Dương Ngọc Xinh (thị trấn Đông Phú) đầu tư hệ thống chế biến phở bán tự động trị giá 60 triệu đồng, giải phóng sức lao động, tăng năng suất, sản lượng gấp hơn 2 lần, sản phẩm phở cung cấp ra thị trường nhiều hơn, thu nhập cao hơn. Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại & Quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) tỉnh cho biết: Trung tâm rất tâm đắc với quá trình sản xuất phở sắn của người dân huyện Quế Sơn nói riêng cũng như mọi làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nên thôi thúc ý tưởng tìm cách hỗ trợ để các làng nghề phát huy giá trị. Thành công của sản phẩm phở sắn Quế Sơn đã góp phần liên kết giữa sản xuất và thương mại, tiêu dùng, khơi thông dòng chảy hàng hóa, tạo sức lan tỏa sản xuất, kinh doanh đến các địa phương trong phạm vi cả nước và vươn ra thị trường quốc tế”.

 

Việc ứng dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại của cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không chỉ giúp các cơ sở thuận lợi hơn trong sản xuất vận hành mà còn tạo đòn bẩy, động lực để khơi dậy tiềm năng của các làng nghề, đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Từ đó, hàng hóa, sản phẩm của tỉnh sẽ được mở rộng ra thị trường, khẳng định vị thế, thương hiệu, kết nối giao thương với các tỉnh khác, góp phần phát triển nền kinh tế tỉnh nhà.

 

Ngọc Bích


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang