Khắc phục khó khăn
Mặc dù có sự phát triển trong những năm gần đây, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Quảng Ngãi mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Sản xuất thành phẩm dựa trên các nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện nhập khẩu chiếm tỷ lệ lớn; một số ngành CN vẫn đang sử dụng 100% nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu do CNHT chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, năng lực doanh nghiệp CNHT nội địa còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng; sức cạnh tranh của sản phẩm CNHT kém, giá thành cao.
Đồng thời, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có chất lượng cao phục vụ CNHT đang thiếu trầm trọng. Các dịch vụ hỗ trợ sau đầu tư của các tỉnh trong Vùng và của tỉnh chưa hoàn thiện, các dịch vụ xã hội kèm theo các KKT, KCN chưa thật sự phát triển và đáp ứng nhu cầu.
Giai đoạn 2011 – 2015, ngành CNHT Quảng Ngãi phát triển manh mún, chưa có nhiều đóng góp trong giá trị công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, các sản phẩm CNHT của tỉnh đã có sự phát triển đáng kể, có vai trò ngày càng quan trọng. Bước đầu, Quảng Ngãi đã hình thành được một số ngành CNHT trong các lĩnh vực: Cơ khí - chế tạo; dệt may - da giày; điện tử; chế biến gỗ, giấy... Các ngành CNHT cũng đã cung cấp nhiều loại nguyên vật liệu, linh kiện góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của một số sản phẩm như máy móc thiết bị điện, cơ khí, điện tử, sản phẩm may mặc, giày dép...
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng đã từng bước được đầu tư và hoàn thiện. Đặc biệt, KKT Dung Quất (trọng tâm là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú, KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã có những đóng góp quan trọng, tạo động lực mới và mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển CNHT của tỉnh.
Xác định muốn phát triển kinh tế phải thu hút được các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên thu hút các dự án về lĩnh vực công nghiệp hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, cảng biển, hệ thống logistics, công nghệ sạch, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ.
Song song với đó, tỉnh liên tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghiệp, trong đó, chú trọng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Vị trí đặt các khu, cụm công nghiệp phù hợp với ngành nghề ưu tiên chú trọng thu hút đầu tư, thông thương thuận lợi.
Sự thành công của Khu Kinh tế Dung Quất cũng như Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi là kết quả minh chứng rõ nhất những hiệu quả trong phát triển công nghiệp của tỉnh.
Nhiều giải pháp đặt ra
Nhằm đưa Quảng Ngãi trở thành đô thị - động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là CNHT cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển công nghiệp ngoài dầu và công nghiệp phụ trợ cho các cụm ngành công nghiệp có lợi thế. Tiếp tục phát triển KKT Dung Quất với các sản phẩm mới, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến hóa dầu. Đẩy nhanh tốc độ phát triển và mở rộng KCN VSIP Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 sẽ xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Quảng Ngãi, với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo nền tảng để phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; từng bước đáp ứng nhu cầu về nguyên, phụ liệu cho sản xuất tại địa phương, cho toàn Vùng và cả nước cả về số lượng lẫn chất lượng. Và đến năm 2030, phát triển tỉnh Quảng Ngãi trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ (về một số chủng loại sản phẩm) cho cả Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trong đó sẽ tập trung ưu tiên phát triển 5 lĩnh vực chính bao gồm: CNHT ngành cơ khí, chế tạo; CNHT ngành lọc, hóa dầu; CNHT ngành dệt may - da giày; CNHT ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và CNHT ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đề án cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 gồm: Lựa chọn mô hình phát triển. Xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết sản xuất phục vụ thu hút đầu tư phát triển CNHT trên địa bàn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư. Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa tỉnh Quảng Ngãi và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển các ngành CNHT.
Hy vọng với những quyết sách đúng đắn, ngành CNHT tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ.
Tuấn Ninh