Thứ Bẩy, 23/11/2024 07:38:53 GMT+7
Lượt xem: 1548

Tin đăng lúc 24-04-2021

Rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để thúc đẩy CNHT trong nước phát triển

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xem là một trong những thành tố quan trọng góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, nhờ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển của Chính phủ, năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước đã được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành đã dần được cải thiện.
Rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để thúc đẩy CNHT trong nước phát triển
Các doanh nghiệp CNHT trong nước rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để phát triển

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành CNHT Việt Nam vẫn còn khá yếu khi chỉ có vài doanh nghiệp điện tử tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Còn lại hầu hết chỉ cung cấp những linh kiện có giá trị gia tăng thấp cho các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn lớn thế giới.

 

Hiện Việt Nam có 1.800 doanh nghiệp CNHT nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Các doanh nghiệp Việt đa số quy mô nhỏ nên phần lớn các mặt hàng cung ứng là sản phẩm nhựa, bao bì đóng gói, linh kiện in ấn và những linh kiện có hàm lượng công nghệ thấp. Do đó, tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa chỉ đạt 13,1%, ở mức dưới tiêu chuẩn. Trong khi đó, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ khu vực FDI, chiếm tới gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

Theo Bộ Công Thương, hiện ngành sản xuất xe máy có tỷ lệ nội địa hóa 90%, còn sản xuất ô tô chủ yếu vẫn là lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu. Trong khi đó, lĩnh vực cơ khí, điện tử, nhựa, dệt may và da giày, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ cung cấp những linh kiện đơn giản, còn linh kiện phức tạp vẫn chưa đáp ứng được.

 

Qua đó thấy rằng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNHT trong nước còn rất hạn chế để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng cũng còn yếu.

 

Doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả

 

Thời gian qua, mặc dù đã có không ít những chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển CNHT được ban hành như: Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư với quy định CNHT là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư phát triển CNHT đã được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế… hay Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với 06 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi… nhưng theo các doanh nghiệp, phần lớn các chính sách này chỉ mang ý nghĩa động viên về tinh thần do rất khó tiếp cận.

 

Ví dụ như Luật số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế được ban hành từ năm 2014, nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào được hưởng các ưu đãi này. Vì theo quy định của Luật, chỉ doanh nghiệp CNHT nào thành lập sau năm 2015 mới được hưởng ưu đãi thuế, nhưng số doanh nghiệp này lại không nhiều. Hay việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp CNHT cho biết không dễ tiếp cận được những nguồn vốn vay ưu đãi bởi những ràng buộc về mặt thủ tục, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với doanh nghiệp…

 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện CNHT của nước ta phát triển rất chậm, nguyên nhân một phần đến từ sự thiếu chủ động, chậm đổi mới của bản thân doanh nghiệp nhưng yếu tố mang tính quyết định là chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn chưa thực sự đem lại hiệu quả. Nếu Nhà nước có chủ trương rõ ràng và có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất CNHT về đất đai, vốn, thuế… thì doanh nghiệp mới có thể phát triển được. Nhìn rộng hơn, Chính phủ cần có những kế hoạch tổng quát mang tính trung và dài hạn nhằm xây dựng các chính sách hỗ trợ, phát triển các lĩnh vực như khoa học cơ bản, vật liệu mới; song song với đó mạnh dạn đẩy mạnh các hoạt động ký kết hợp tác công nghệ, sáp nhập và mua lại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và những công ty công nghệ trên toàn cầu, qua đó, tạo động lực phát triển cho nền công nghiệp Việt Nam.

 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện nay sự liên kết giữa các doanh nghiệp CNHT trong nước rất lỏng lẻo. Tại Việt Nam chưa có những doanh nghiệp “đầu tầu” để kéo tất cả các doanh nghiệp phụ trợ nó đi về cùng một hướng. Chính vì vậy cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, Chính phủ cũng cần có các chính sách để hình thành nên các tập đoàn lớn của Việt Nam, từ những tập đoàn lớn đó hình thành chuỗi cung ứng trong nước, như vậy mới có cơ hội cho các doanh nghiệp CNHT Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Để thúc đẩy CNHT phát triển, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115 với 7 nhóm giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để chính sách đem lại hiệu quả thực chất, các bộ, ngành cần sớm cụ thể hóa nghị quyết này với các chính sách hỗ trợ có thể vận dụng ngay vào thực tế. Nếu không, chủ trương dọn tổ đón đại bàng khó có thể giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà sẽ chỉ thu được tiền thuê đất và nhân công giá rẻ như trước đây.

 

Đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, hàng loạt các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối quốc tế như Panasonic, Bosch, Apple, Samsung… có nhu cầu tìm thêm nhà cung cấp tăng tỷ lệ nội địa hóa để chủ động hơn, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, với những thành tựu trong việc khống chế dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành điểm sáng khi được nhiều doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu lựa chọn là nơi để dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang. Có thể nói, đây chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp CNHT Việt Nam mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm của mình tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này, bên cạnh việc phải có sự đầu tư và chiến lược bài bản để nâng cao sức cạnh tranh của mình, thì các doanh nghiệp CNHT rất cần những chính sách hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả.

 

Minh Vũ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang