Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), hiện có hơn 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam nhưng chiếm chưa đến 5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước.
CNHT mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước với các sản phẩm chủ yếu là chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm, phục vụ cho một số ít các lĩnh vực như dệt may, da giày, phụ tùng và linh kiện. Như vậy thì việc hiện nay các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu là điều đương nhiên.
Đơn cử, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) chỉ ra rằng, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động; Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Các sản phẩm được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp (săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…). Những điều này khiến giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực…
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, để có thể chủ động trong chuỗi cung ứng, bên cạnh nội lực của doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã có chương trình Phát triển CNHT với số vốn lên đến 2.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời, các trung tâm CNHT cũng phải được triển khai đồng bộ và toàn diện để đảm bảo giới thiệu công nghệ, cơ hội thị trường cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng công nghệ của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã làm tốt trong việc kết nối với Samsung Việt Nam đào tạo khoảng 200 chuyên gia về CNHT. Bộ đã đề nghị Cục Công nghiệp tiếp tục bám sát chương trình, phối hợp chặt chẽ với Samsung để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Hiện nay, ngày càng có nhiều "ông lớn" công nghệ như Apple, Foxconn, Sharp hay Kyocera đã lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh để tạo được chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để biến Việt Nam thành một công xưởng sản xuất của thế giới, trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam sẽ phải ưu tiên phát triển công nghệ nguồn, tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ 4.0 vào CNHT.
Công nghiệp Việt Nam tập trung vào 6 nội dung trọng tâm
• Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp.
• Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của CMCN 4.0, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh.
• Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá.
• Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác để hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm.
• Bảo vệ và mở rộng thị trường trong nước, khai thác tối đa thị trường xuất khẩu từ các FTA đã ký kết cho các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.
• Đối tượng hướng đến của các chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam cần đặt trọng tâm vào thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp lớn tiềm năng và hệ thống DNNVV chiếm 98% số lượng doanh nghiệp trong nước. |
Theo Thời Báo Ngân Hàng