Ví như nghề cót ép ở xã Thọ Nguyên (huyện Thọ Xuân), bao đời nay, người dân đã quen với cây vầu, cây nứa, thanh nan... Ở thời hoàng kim của mình, có đến 70% lao động tham gia sản xuất cót ép và nghề này đã trở thành sinh kế nuôi sống hàng nghìn người dân trong xã. Thế nhưng trước sự thay đổi của nhu cầu thị trường (chuộng sản phẩm làm từ nhựa tổng hợp hơn), nghề cót ép cũng như nhiều nghề truyền thống khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Hiện tại những người duy trì nghề hầu như đã lớn tuổi, lớp trẻ kế cận chẳng mấy mặn mà với nghề truyền thống cha ông và đã bỏ đi tìm đường sinh kế mới.
Tình cảnh mai một của làng nghề cót ép chính là lát cắt sinh động phản ánh những nguy cơ đang hiện lên ngày một rõ đối với rất nhiều làng nghề truyền thống khác ở Thanh Hóa. Theo một thống kê chưa đầy đủ, Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, với 155 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề truyền thống đã được công nhận.
Những năm qua, dù đã nỗ lực đổi mới công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm nhưng các làng nghề vẫn phải đối mặt với những khó khăn rất lớn của việc thiếu hụt nhân lực và thiếu đầu ra thị trường. Đó là chưa kể đến những hạn chế khác như giá trị hàng hóa thấp, tính cạnh tranh không cao, công nghệ thiết bị sản xuất còn nhiều hạn chế hay vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng…
Tất cả đang tạo thành trở lực rất lớn cho việc nâng cao giá trị thương mại cho các sản phẩm làng nghề truyền thống. Nhận rõ thực trạng ấy, những năm gần đây, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Trung tâm Khuyến công của Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy, tạo động lực cho phát triển làng nghề như: hỗ trợ vốn ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng, kết hợp sản xuất với du lịch làng nghề, khắc phục ô nhiễm môi trường, tạo đầu ra cho sản phẩm thông qua các hoạt động khuyến công và hội chợ xúc tiến thương mại…
Nghề dệt chiếu truyền thống tại xã Quảng Khê (Quảng Xương)
Từ năm 2012 đến nay, UBND TP Thanh Hóa cũng như Trung tâm Khuyến công tỉnh đã tích cực xây dựng các đề án khôi phục và phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm nghề, làng nghề, cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành các khu, cụm nghề, làng nghề, cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư của các cơ sở ước đạt hơn 300 tỷ đồng.
Mới đây, vào tháng 1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã ban hành quyết định thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, để phát triển nghề rèn truyền thống, sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi và thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, Cụm công nghiệp làng nghề này được thành lập tại xã Tiến Lộc với diện tích 6ha và tổng mức vốn đầu tư khoảng 52,8 tỷ đồng.
Những biện pháp bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Đơn cử như trường hợp của làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hà Vũ, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) hiện đang có 200 hộ mở xưởng sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Trong đó, có nhiều hộ không ngại đầu tư vốn lớn để mua máy đục điêu khắc mỹ thuật công nghệ cao với giá 400 - 500 triệu đồng. Hay như một số hộ kinh doanh ở làng nghề mộc Đạt Tài (xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa) đã lập nhiều công ty, xưởng sản xuất trên khắp các tỉnh thành trong cả nước, xuất khẩu hàng ra thị trưởng quốc tế. Mỗi cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ nghề mộc trung bình một năm có thể lên đến 60 tỷ đồng.
Minh Châu