Thứ Bẩy, 23/11/2024 14:28:08 GMT+7
Lượt xem: 1893

Tin đăng lúc 20-09-2021

TNG – Điểm sáng của ngành CNHT Dệt may tại Thái Nguyên

Dệt may là một trong những ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Thế nhưng trong khó khăn bởi dịch bệnh, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG lại là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của ngành Dệt may Việt Nam trong việc ứng phó với những khó khăn do dịch Covid-19.
TNG – Điểm sáng của ngành CNHT Dệt may tại Thái Nguyên
Chi nhánh may TNG Đại Từ

TNG là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực gia công và xuất khẩu may mặc có trụ sở chính tại TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). TNG đang là đối tác gia công của nhiều hãng thời trang tên tuổi trên thế giới như: Uniqlo, Nike, Adidas, Mango, Zara, Columbia, GAP, Levi’s, Calvin Klein, Fila,…

 

Công ty hiện có 16 chi nhánh với trên 16.000 cán bộ công nhân viên. Trong đó, có 2 đơn vị trực thuộc chuyên sản xuất, cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực may mặc như: Bông, vải sợi, dệt, nhuộm, in ấn, bao bì,… cung cấp cho chính các nhà máy của TNG và các đối tác trong nước.

 

Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp may mặc trong nước “tê liệt” hoạt động vì đa số nguồn cung đầu vào của những này được nhập từ nước ngoài, trong khi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cung ứng đầu vào lại chưa được chú trọng. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo TNG, ngay khi đón nhận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) Công ty đã nghĩ ngay đến việc là phải chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Đó là TNG đã sản xuất bông, góp phần nội địa hóa sản phẩm của TNG và đóng góp cho các đơn vị khác nữa.

 

Cùng với đó, Ban lãnh đạo TNG đã có những quyết sách kịp thời nhằm chuyển đổi sản xuất sang các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, bộ đồ bảo hộ y tế,…

 

Cụ thể, TNG đã nghiên cứu và sản xuất thành công khẩu trang nano kháng khuẩn, có khả năng chống khuẩn và tái sử dụng nhiều lần, được Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) giám định chất lượng. Trong giai đoạn dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng, TNG đã nghiên cứu và sản xuất thành công “Bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch” nhằm chung tay với các cấp, ngành trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 

Bên cạnh đó, Công ty cũng phát huy tốt thế mạnh lĩnh vực phụ trợ về dệt may, tận dụng được các điều kiện thuận lợi của Nhà nước, địa phương khuyến khích phát triển ngành CNHT này như các chính sách, mục tiêu, chiến lược, giải pháp,… phát triển ngành Dệt May.

 

Trong năm 2020, TNG đã đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm với quy mô 70ha tại TP. Thái Nguyên. Đây là Cụm công nghiệp chuyên về CNHT cho ngành may mặc, nhằm tạo ra một hệ sinh thái đủ mạnh để cung cấp các sản phẩm CNHT đủ trong phạm vi toàn quốc.

 

Theo ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch HĐQT công ty TNG: “Cụm công nghiệp Sơn Cẩm được gắn với “sinh thái xanh” trong ngành may mặc. Trong đó, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực đầu vào như: Nguyên liệu bông, vải; phụ liệu như chỉ, cúc,… để hỗ trợ, tăng tính chủ động của các doanh nghiêp may mặc. Sản phẩm đầu ra của các đơn này là sản phẩm đầu vào của chúng tôi. Điều này sẽ làm giảm một phần chi phí cho các doanh nghiệp may mặc, đồng thời tạo sức bật cho toàn ngành phát triển”.

 

Trong suốt 41 năm hoạt động và phát triển, thương hiệu TNG đã nằm trong top 10 doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn, và top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 28%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 38%/năm, duy trì trong suốt hơn 10 năm qua.

 

Đến nay, Công ty đã có 13 nhà máy may với 257 dây chuyền sản xuất, 2 nhà máy phụ trợ, 1 văn phòng đại diện tại New York, Hoa Kỳ và 32 cửa hàng thời trang trên cả nước. Giải quyết việc làm ổn định cho trên 15 nghìn lao động, với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng.

 

Tại Thái Nguyên, ngành Dệt may hiện có số lượng và quy mô DN dệt may khá lớn (37 DN sử dụng trên 20.000 lao động) nhưng CNHT cho nhóm ngành này chưa đáng kể,  các DN may trên địa bàn phần lớn vẫn nhận gia công cho các đối tác lớn ở nước ngoài nên tạo giá trị gia tăng không lớn, nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc lớn vào nhập khẩu… Việc chủ động nguồn cung cùng những chiến lược phù hợp đã giúp cho TNG là một trong số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Với định hướng rộng mở và mảnh đất phát triển CNHT còn nhiều tiềm năng thế mạnh như vậy, tin tưởng rằng, TNG nói riêng và các doanh nghiệp phụ trợ tỉnh Thái Nguyên nói chung sẽ có nhiều bứt phá trong thời gian tới.

 

Trường An


Tin liên quan:

Tag:TNG

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang