Thứ Sáu, 22/11/2024 00:58:50 GMT+7
Lượt xem: 7233

Tin đăng lúc 12-12-2014

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Phấn đấu trở thành thương hiệu hàng đầu

Năm 2014, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (2004 – 2014). Sau 10 năm hoạt động, trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, cùng với sự nỗ lực quyết tâm, tinh thần đoàn kết vượt khó, lao động sáng tạo của hơn 7.000 CBCNVC, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã và đang khẳng định mình là đơn vị dẫn đầu của ngành Thương mại Thủ đô.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Phấn đấu trở thành thương hiệu hàng đầu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa thăm phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội

Tổng công ty Thương mại Hà Nội là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty con trên cơ sở sắp xếp lại 23 doanh nghiệp Nhà nước của Thành phố hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Tổng công ty (TCT) ra đời có nhiệm vụ chính là cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất với người tiêu dùng, xây dựng hệ thống thương mại Thủ đô văn minh, hiện đại.

 

Từ những ngày đầu mới thành lập, TCT gặp phải muôn vàn khó khăn. Do được hình thành từ nhiều đơn vị gộp lại, giữa các đơn vị chưa có sự liên kết, hoạt động thương mại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là thương mại Nhà nước còn tồn tại nhiều hạn chế như: Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, vốn ít, tổ chức chồng chéo, công nghệ quản lý lạc hậu. Thị phần của thương mại quốc doanh bị thu hẹp, mạng lưới kinh doanh tuy nhiều nhưng quản lý và sử dụng chưa tốt, việc đầu tư xây dựng chưa được chú trọng nên không đáp ứng được tiêu chuẩn văn minh thương mại.

 

Trước những khó khăn chồng chất đó, nhiệm vụ đặt ra cho Ban lãnh đạo TCT là hết sức nặng nề. Tuy nhiên, không vì thế mà nản lòng, Ban lãnh đạo TCT đã có những “bước đi” đầu tiên rất đúng đắn. Trước hết, cần tập trung phát huy những ưu thế sẵn có đối với thị trường xuất khẩu và thương mại nội địa. Cụ thể, đối với công tác xuất khẩu, TCT tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư và hình thành các cơ sở sản xuất trong đó ưu tiên tập trung chính vào 3 mặt hàng có thế mạnh là thủ công mỹ nghệ, hạt điều, gạo, nhằm tạo nguồn hàng vững chắc, ổn định cho xuất khẩu. Từ đó tiếp tục mở rộng khách hàng, thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, chè, hàng thủ công mỹ nghệ và thực phẩm chế biến.

 

Đối với thị trường nội địa, TCT xác định, để phát triển vì lợi ích chung của thương hiệu Hapro, trước hết phải tạo sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên trong nội bộ TCT, từ đó tiết kiệm chi phí, tạo hiệu quả kinh doanh cao. Thực hiện tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý và hoạt động kinh doanh theo hướng tinh giảm đội ngũ gián tiếp, tăng cường lao động trực tiếp, đồng thời gắn quyền lợi với hiệu quả của các hoạt động kinh doanh.

 

Trên cơ sở hệ thống hạ tầng thương mại sẵn có, tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả sử dụng như ưu tiên mở rộng hệ thống Trung tâm thương mại; chuỗi Siêu thị; cửa hàng tiện ích Hapromart, thực phẩm an toàn Haprofood; … Mở rộng, phát triển trong lĩnh vực phân phối, hình thành các mô hình Tổng đại lý, trung tâm phân phối. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung quảng bá hình ảnh thương hiệu của TCT tới khắp các tỉnh thành trên cả nước với các sản phẩm như: Gạo, các sản phẩm chế biến, hoa quả đặc sản của các vùng miền, rượu, gốm Chu Đậu, …. Tập trung phát triển nguồn vốn cho thị trường nội địa, đảm bảo cơ bản về nguồn vốn cho hoạt dộng kinh doanh nội địa của các Công ty, đơn vị. Ngoài việc tập trung vào thị trường có ưu thế sẵn có, TCT cũng thực hiện tập trung đầu tư có chọn lọc vào một số dự án có tính chất trọng điểm, đưa vào khai thác và sử dụng một số dự án lớn như: Trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê; tổ hợp trung tâm thương mại; …Bên cạnh đó,từng bước thay đổi, sắp xếp lại quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, ổn định nguồn NVL đầu vào, đồng thời thực hiện mọi biện pháp tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm truyền thống như Rượu Hapro, Vang Thăng Long, các sản phẩm TCMN, quần áo thời trang… và các sản phẩm dịch vụ khác như Hapro Travel, Hapro Bốn Mùa … để từng bước tăng tỷ trọng các sản phẩm và tiêu dùng nội bộ trong các hệ thống bán lẻ của TCT, củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

 

Để những giải pháp trên được triển khai một cách có hiệu quả thì bộ máy nhân sự đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Ý thức được điều đó, trong thời gian qua TCT không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cơ cấu bộ máy tổ chức, sắp xếp lại lao động theo hướng tinh giảm gọn nhẹ bộ máy gián tiếp, tăng cường nhân sự SXKD; xây dựng các chính sách đãi ngộ tốt đối với NLĐ và các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài. Thực hiện xây dựng, ban hành hệ thống các Quy trình, quy chế trong quản lý, điều hành hoạt động, xây dựng văn hóa TCT, xây dựng và triển khai Chương trình TCT điện tử E-Hapro, ứng dụng phần mềm quản lý hiện đại cho phù hợp với mô hình tổ chức mới.

 

Đặc biệt, quy mô tổ chức bộ máy của TCT cũng đã phát triển đồng bộ và hoạt động khá hiệu quả. Từ 23 đơn vị thành viên, tổng doanh số đạt khoảng 2.500 tỷ đồng với trên 3.000 lao động, đến nay, TCT đã phát triển gồm Công ty Mẹ - TCT và 44 Công ty thành viên (tăng 1,9 lần), tổng doanh thu 10 năm ước đạt 69.846 tỷ đồng (tăng 2,9 lần) với hơn 7.000 CBCNV, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 20%. Thị trường xuất khẩu được mở rộng với trên 70 quốc gia khu vực và vùng lãnh thổ trên Thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao đạt gần 300 triệu USD (tăng 4,9 lần), đóng góp đáng kể vào ngân sách Quốc gia. Đời sống của CBCNV được đảm bảo, công việc ổn định với thu nhập bình quân của người lao động tăng cao. Hệ thống thương mại nội địa phát triển mạnh gồm 2 trung tâm mua sắm; 40 Siêu thị, cửa hàng tiện ích; 3 Trung tâm kinh doanh/Chợ đầu mối; các trung tâm phân phối… tại khắp các tỉnh thành phía Bắc. Vị thế, thương hiệu của TCT ngày càng được nâng cao cả trong và ngoài nước. Các thương hiệu như Hapro, Hapromart, Haprofood, Hafasco, Thủy Tạ, Vang Thăng Long, Gốm cổ truyền Chu Đậu... ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên khắp cả nước biết đến và tin dùng. Cùng với đó, Tổng công ty cũng đã tập trung quyết liệt chỉ đạo công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Hapro. Đến nay đã hoàn thành cổ phần hóa đối với 01 đơn vị; cơ bản hoàn thành đối với 04 Công ty TNHH MTV; thoái bớt phần vốn nhà nước tại 02 Công ty CP và thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại 07 Công ty CP.

 

Vai trò nòng cốt của một đơn vị kinh doanh thương mại lớn của Thủ đô, dần được khẳng định qua việc thực hiện tốt các công tác an sinh xã hội. TCT luôn là địa chỉ uy tín, tin cậy để Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình bình ổn giá, cứu trợ bão lụt, người VN ưu tiên dùng hàng Việt Nam … trên địa bàn Thành phố. Ghi nhận những thành tích đó, nhiều năm liền, TCT được Nhà nước, UBND Thành phố và Bộ Công Thương trao tặng trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen và giải thưởng như Bằng khen Thủ tướng Chính phủ “Vì sự nghiệp Phát triển Thủ đô”; Huân chương Lao động hạng Ba; “Đơn vị xuất khẩu uy tín”; “Thương hiệu mạnh Việt Nam” và hàng trăm giải thưởng, bằng khen khác.

 

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua, mục tiêu của TCT trong những năm tới (2015- 2020) là xây dựng TCT trở thành một TCT XNK và TM nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế Thủ đô. Tổng công ty phấn đấu đến năm 2020, quy mô sẽ có 50 Công ty thành viên. Mức tăng trưởng bình quân đạt từ 10 – 15%/năm; tổng doanh thu năm 2020 đạt 12.500 tỷ đồng, kim ngạch XNK đạt 560 triệu USD, sử dụng 8.000 lao động trực tiếp, tạo việc làm cho 100.000 lao động gián tiếp với thu nhập bình quân đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thế giới, cùng với đó là mở rộng các loại mặt hàng xuất nhập khẩu. Tiếp tục hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các đơn vị thành viên, cơ cấu lại bộ máy tổ chức quản lý của Công ty Mẹ và các Công ty thành viên, nhằm xây dựng mô hình Tổng công ty đa ngành, với chuyên môn hóa cao cả về quản lý và điều kiện phương tiện làm việc cùng chính sách phát triển nguồn nhân lực; phấn đấu vượt qua thách thức, khó khăn để phát triển Tổng công ty trở thành thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế.

 

Như Quỳnh - Hoàng Lợi


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang