Toyota liên tục đồng hành với ngành CNHT Việt Nam
Tháng 11/2023, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) tham gia Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và Chế biến chế tạo Việt Nam – Vimexpo 2023 lần thứ 4 với vai trò là đại diện doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô cùng gian trưng bày mô hình mẫu xe Veloz Cross lắp ráp trong nước và khu vực kết nối DN tiềm năng. Đây được coi là nỗ lực của Toyota trong việc phát triển sản xuất tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hỗ trợ phát triển các nhà cung cấp Việt Nam cũng như cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, ngành CNHT Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Với mục tiêu “Kết nối để phát triển bền vững” giữa Cơ quan quản lý Nhà nước, nhà cung cấp sản phẩm CNHT, chế biến chế tạo và những DN mua hàng tiềm năng, năm nay, Triển lãm Vimexpo 2023 có quy mô gần 300 gian hàng với 7.000m2 trưng bày, 250 DN tham dự với nhiều thương hiệu hàng đầu đại diện cho các nhóm ngành sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ cao, ngành điện tử, ngành cơ khí chế tạo.
Ngoài ra, trong khuôn khổ triển lãm năm nay, Toạ đàm “Chuỗi cung ứng bền vững: Hướng đi mới cho DN” đã được tổ chức vào ngày 16/11/2023. Toyota Việt Nam đã tham gia tọa đàm với bài tham luận về chủ đề: “Vai trò của DN đầu chuỗi trong việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững”, chia sẻ quan điểm của Toyota về phát triển bền vững, trong đó có nỗ lực đóng góp của Toyota trong việc tăng cường nội địa hóa, phát triển các nhà cung cấp nội địa và những nỗ lực về đóng góp cho môi trường, như một giải pháp phát triển về xe và các hoạt động giảm phát thải trong toàn hệ thống Toyota.
Đối với Toyota Việt Nam, ngoài việc gia tăng số lượng nhà cung cấp nội địa, Toyota còn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh bằng việc hợp tác với Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương từ năm 2020 và Hiệp hội CNHT Việt Nam từ năm 2023 trong Dự án Hợp tác hỗ trợ DN trong nước trong lĩnh vực CNHT ô tô. Sau ba năm triển khai (2020 - 2022), dự án đã tổ chức nhiều hoạt động như đào tạo cải tiến sản xuất, tư vấn tại hiện trường, sàng lọc và tìm kiếm nhà cung cấp,… từ đó kết nối cho Toyota Việt Nam hơn 60 nhà cung cấp Việt Nam. Thông qua dự án, Toyota Việt Nam đã lựa chọn thêm 6 nhà cung cấp tiềm năng và tuyển dụng được một số nhà cung cấp. Hiện Toyota có tổng số 5 mẫu xe lắp ráp trong nước và số lượng nhà cung cấp của Toyota đã tăng lên 60 nhà cung cấp, trong đó có 13 nhà cung cấp Việt Nam, nâng tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại.
Để hỗ trợ DN, Bộ Công Thương và Công ty Toyota Việt Nam đã cùng đồng hành và thực hiện dự án hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp nội địa trong ngành Ô tô thông qua một số hoạt động cụ thể như: Triển khai các khoá đào tạo tập trung ngắn hạn về cải tiến sản xuất; Tổ chức các buổi tham quan nhà máy tại Công ty Toyota Vĩnh Phúc và các nhà cung cấp cấp 1 của Toyota; Xây dựng lộ trình và hỗ trợ các DN cải tiến tại hiện trường; Tổ chức các buổi thảo luận, kết nối và tìm kiếm những nhà cung ứng tiềm năng mới… Dự án hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp nội địa trong ngành ô tô đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các DN trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các DN quốc tế khác.
Gian trưng bày của Toyota với mẫu xe Veloz Cross tại Vimexpo 2023
Trong năm tới, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ triển khai mở rộng chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp thuần Việt. Theo đó, các nhà cung cấp đã được hỗ trợ trước đó sẽ đóng vai trò là DN nòng cốt, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của Toyota để tiếp tục triển khai nhân rộng những kiến thức đã được đào tạo nhằm lan tỏa sự hỗ trợ tích cực tới các DN mới, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành CNHT cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Samsung đầu kéo cho ngành CNHT Việt Nam
Samsung cũng được coi là một “đầu kéo” điển hình giúp ngành CNHT tại Việt Nam và các DN vừa và nhỏ trong nước có cơ hội phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi từ sau khi đầu tư vào Việt Nam, Samsung vẫn luôn nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động đa dạng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Việt. Theo chia sẻ từ đại diện Samsung, trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn này đã cử các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm từ công ty mẹ sang Việt Nam để tư vấn cải tiến năng suất và chất lượng cho các DN Việt Nam, hiện đã có khoảng 400 tư vấn viên người Việt đã được đào tạo. Cũng theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, Samsung đang triển khai chương trình đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu, một lĩnh vực gốc rễ của ngành công nghiệp quốc gia.
Đặc biệt là từ năm 2022, các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ công ty mẹ của Samsung trong mảng xây dựng nhà máy thông minh được tuyển chọn và đang tích cực chuyển giao công nghệ trong mảng nhà máy thông minh cho các DN Việt Nam tại miền Bắc và miền Nam. Samsung cho đến nay đã mang lại nhiều đóng góp tích cực cho ngành CNHT của Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 DN Việt Nam. Hiện tại, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 DN vào năm 2014 lên 257 DN vào cuối năm 2022.
Mới đây, khi tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao các dự án của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam. Đặc biệt, các dự án này đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển CNHT trong nước, tạo việc làm, đóng góp vào phát triển kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng cũng hoan nghênh cam kết đồng hành, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam của Chủ tịch Tập đoàn điện tử Samsung nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vừa qua.
Thời gian tới, Samsung được cho là sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ cao, điện tử; đầu tư phát triển hơn nữa vào các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Thủ tướng mong muốn, Samsung tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế.
Minh Lê