Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:06:04 GMT+7
Lượt xem: 1110

Tin đăng lúc 28-05-2021

Ứng dụng vật liệu mới nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam

Với mục tiêu tạo ra các sản phẩm vải dệt kim chất lượng cao phục vụ cho ngành dệt may trong nước, Công ty CP Viện nghiên cứu Dệt May đã thực hiện đề tài nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim thành phẩm từ sợi I-Skin. Qua thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm cho thấy, hoàn toàn có thể ứng dụng nguyên liệu mới I-Skin vào sản xuất công nghiệp, tạo ra những sản phẩm may mặc có nhiều tính năng ưu việt, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam.
Ứng dụng vật liệu mới nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam
Quá trình dệt vải cách nhiệt của Công ty CP Viện nghiên cứu Dệt May

Xơ I–Skin là một dạng của viscose biến tính. Nghiên cứu đã chứng minh khi đưa ZnO vào dung dịch kéo xơ viscose thì xơ viscose cho các đặc tính như kháng khuẩn tốt và bền qua nhiều lần giặt, khả năng hút ẩm của xơ cao, mềm mại, mịn màng, chống tia cực tím, tia hồng ngoại xa, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

 

Hiện nay, trên thế giới, sợi I-Skin được dùng để sản xuất vải dệt kim và dệt thoi, trong đó vải dệt kim là nguyên liệu chính để thiết kế may các sản phẩm may mặc cho dòng sản phẩm quần áo thể thao, quần áo trẻ em, quần áo sát da,... Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng nguyên liệu I–Skin trong ngành dệt may còn rất mới, các sản phẩm ngành dệt may làm từ nguyên liệu này đều đang phải nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Chính vì thế, việc nghiên cứu nguyên liệu I-Skin, I-Skin pha với một số xơ khác và ứng dụng chúng để sản xuất trên dây chuyền thiết bị hiện có của Việt Nam là vô cùng cần thiết đối với ngành Dệt May nói chung và ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may nói riêng.

 

Trước thực tế trên, Công ty CP Viện Nghiên Cứu Dệt May đã thực hiện nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim thành phẩm từ sợi I–Skin, đồng thời phát triển dòng sản phẩm đồ lót từ nguyên liệu này. 

 

Với những ưu điểm vượt trội, các mẫu vải của đề tài nghiên cứu được dệt từ sợi “I-Skin tỷ lệ pha trộn là 50% bông và 50% I-Skin” cài với sợi spandex để tạo ra tính chất co giãn cho vải rất thích hợp với việc may các sản phẩm quần áo lót và áo T.Shirt. Thuốc nhuộm áp dụng vào sợi I–Skin là loại thuốc nhuộm hoạt tính.

 

Sau khi sản xuất thành công vải I-Skin, Công ty CP Viện Nghiên Cứu Dệt May đã giới thiệu sản phẩm vải và các tính chất ưu việt của chúng với thương hiệu thời trang Aristino. Bước đầu sản phẩm đồ lót nam sản xuất thử nghiệm cho khách hàng dùng thử và đã nhận được phản hồi tích cực.

 

Bên cạnh đó, cuối năm 2020, Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt May cũng đã hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm vải có độ cách nhiệt cao.

 

 

Vải có độ cách nhiệt cao

 

Sau quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất sợi từ xơ Viloft và công nghệ dệt vải dệt kim đan ngang có độ cách nhiệt cao. Đồng thời đã cho ra được 1 quy trình công nghệ tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất vải dệt kim đan ngang từ sợi Viloft pha acrylic, một quy trình công nghệ tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất vải dệt kim đan ngang từ sợi mộc và sợi đã nhuộm màu Viloft pha Polyester.

 

Áp dụng công nghệ nêu trên, công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt May đã sản xuất và tiêu thụ trên 43 tấn sợi và 22 tấn vải dệt kim có độ cách nhiệt cao. Sản phẩm đều có các chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu của dự án đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong nước. Vải sản xuất ra được khách hàng chấp nhận, đưa vào sản xuất các mặt hàng may mặc, tiêu thụ tốt.

 

Dự án được đánh giá đã ứng dụng thành công nguyên liệu mới và các công nghệ dệt nhuộm hoàn tất các loại vải dệt kim cách nhiệt cao từ các nguyên liệu khác nhau, ứng dụng các công nghệ có tính cạnh tranh vào sản xuất may mặc cho Việt Nam. Nếu được triển khai sẽ làm tăng giá trị của vải dệt kim, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu vải, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tính cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường.

 

Sau khi kết thúc, kết quả của dự án sẽ được triển khai áp dụng tại các doanh nghiệp dệt may có quy mô nhỏ và vừa, giúp cho các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể làm chủ được quy trình công nghệ đa dạng hóa mặt hàng sản xuất, giảm lượng vải phải nhập khẩu, đồng thời tăng khả năng khai thác các thiết bị hiện có của các doanh nghiệp.

 

Có thể thấy, việc triển khai các dự án như trên sẽ giúp hình thành chuỗi liên kết giữa đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, sản xuất và tiêu thụ vải dệt kim. Qua đó, không chỉ giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ ngành Dệt May có thể làm chủ công nghệ, mà còn giúp sản phẩm dệt may của Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 

PV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang