VAP ra đời, hoạt động và phát triển đã gần 20 năm, là chủ đầu tư Nhà máy Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (tại xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tại Việt Nam.
Trong những năm qua, với sự đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, bài bản, VAP đã nhanh chóng cung cấp cho thị trường những chủng loại linh kiện, phụ tùng chất lượng cao, qua đó, sớm xây dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường và trở thành doanh nghiệp cung cấp phụ tùng cho nhiều khách hàng, đối tác lớn trong và ngoài nước như: Tập đoàn Honda; Công ty TNHH Phụ tùng Xe máy Ô tô GOSHI-THĂNG LONG,… Đồng thời, VAP cũng là một trong những doanh nghiệp lớn tại tỉnh Hưng Yên, giúp giải quyết việc làm cho 1.500 lao động và có đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng đầu tại địa phương.
Đáng chú ý, Công ty Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam có sự tham gia của 6 đối tác trong và ngoài nước. Do đó, sản phẩm của VAP, ngoài phục vụ thị trường nội địa còn dành cho xuất khẩu. Trong 6 đối tác, Tập đoàn GELEXIMCO là một trong hai cổ đông Việt Nam; Phía nước ngoài gồm hai công ty của Thái Lan là Asian Honda Motor Co., Ltd; Daisin Co. Ltd, một công ty của Lào là New Chip Xeng và một công ty của Nhật là Kyushu Yanagawa Seiki Co.,Ltd. Với thế lực vững chắc đó, VAP tự hào là một trong những đơn vị cung cấp sản phẩm phụ trợ vững mạnh, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy cho những Tập đoàn quốc tế.
Theo VAP cho biết, hiện nay, xuất khẩu linh kiện phụ tùng vẫn đầy triển vọng sau khi doanh nghiệp ngành CNHT trở lại trạng thái bình thường mới từ việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn cần thêm “chất xúc tác” để khối nội liên kết tốt hơn với các công ty đa quốc gia.
Số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng nhiều loại đạt 6,78 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước đã tăng 1,46 tỷ USD, tương ứng mức tăng 27,4%. Để sức tăng trưởng xuất khẩu ở lĩnh vực này không bị chững lại do ảnh hưởng đại dịch, giới chuyên gia cho rằng rất cần thêm những chính sách lớn khuyến khích các doanh nghiệp CNHT trong nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý, những chính sách lớn sắp tới có nhiều ý nghĩa tích cực cho hoạt động xuất khẩu nói chung hay lĩnh vực CNHT nói riêng. Trong đó, những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt tìm thấy hướng đi có lợi. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đầu vào cho một số ngành Công nghiệp nhằm tăng cường sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ở trong nước lẫn ngoài nước.
Trước những thuận lợi và tiềm năng đó, hy vọng rằng, thời gian tới, VAP sẽ tận dụng tốt cơ hội cũng như phát huy hơn nữa thành quả và thế mạnh lĩnh vực phụ trợ của mình.
Nam Hà