Theo thống kê của Sở Công Thương Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có trên 240 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu là sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử… Các DN này không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách mà còn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như Công ty TNHH Jahwa Vina, có trụ sở tại khu công nghiệp (KCN) Khai Quang là DN 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử phục vụ sản xuất điện thoại di động, máy tính, tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy in, ô tô... Sau 13 năm hoạt động, Công ty liên tục đầu tư dây chuyền sản xuất, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và đã trở thành DN CNHT uy tín cho hãng điện thoại Samsung (Hàn Quốc). Năm 2020, dù chịu nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Công ty vẫn giữ nhịp tăng trưởng dương, ổn định việc làm cho 4.800 lao động với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, Công ty sản xuất phanh Nissin Việt Nam, sau 20 năm hoạt động ở Vĩnh Phúc đã trở thành DN CNHT uy tín hàng đầu chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện phanh ô tô, xe máy cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Với 70% sản phẩm cung cấp cho các đối tác trong nước như: Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Piaggio Việt Nam… và trên 30% sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, Italia, Nhật Bản, Philippines, hiện Nissin Việt Nam tạo việc làm cho gần 2.200 lao động với mức lương trung bình 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Jahwa Vina đang là DN công nghiệp hỗ trợ hàng đầu cho hãng điện thoại Samsung
Động lực phát triển từ những DN như Jahwa Vina hay Nissin Việt Nam khiến Vĩnh Phúc đang dần trở thành một trung tâm CNHT của cả nước. Đầu năm 2021, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 KCN mới gồm: KCN Sông Lô I; KCN Sông Lô II; KCN Thái Hòa - Liễn Sơn – Liên Hòa (khu vực II, giai đoạn I); KCN Tam Dương I (khu vực 2) và KCN Nam Bình Xuyên, nâng tổng số KCN được quyết định chủ trương đầu tư lên 14 khu, tổng diện tích trên 2.773 ha.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc và tạo việc làm ổn định cho trên 94.000 lao động. Mức đóng góp cho ngân sách tỉnh hằng năm của các DN liên tục tăng, từ 1.799 tỷ đồng năm 2010 lên tới hơn 9.588 tỷ đồng năm 2018. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng dòng vốn đầu FDI vào Vĩnh Phúc tiếp tục tăng. Các DN FDI trong các KCN vẫn đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 2.876 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019.
Ngay trong “khúc cua” đầy thử thách của kinh tế thế giới năm 2020, ngành CNHT của Vĩnh Phúc vẫn cho thấy một bức tranh toàn cảnh đầy hy vọng. Từ bước đà và thành tựu đầy phấn khởi ấy, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm CNHT lớn của cả nước, thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI và từ 20 – 25.000 tỷ đồng vốn DDI. Ngành CNHT của Vĩnh Phúc hướng đến cung cấp các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm, Vĩnh Phúc sẽ thu hút thêm khoảng 25 dự án FDI và 10 dự án DDI.
Để hiện thực hoá mục tiêu ấy, Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN phát triển CNHT, giúp gia tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Có thể kể đến những chính sách ưu đãi lớn dành cho DN như: Miễn giảm thuế; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; cập nhật thông tin, kiến thức pháp luật, các cơ chế, chính sách, trợ giúp pháp lý...
Các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam tham gia sẽ giúp cho DN thu hút các nguồn vốn, công nghệ, thị trường xuất khẩu. Điều đó tạo cơ hội không thể tốt hơn cho Vĩnh Phúc trong việc tự chủ yếu tố đầu vào trong sản xuất, tạo thêm giá trị gia tăng và giúp ngành CNHT của Vĩnh Phúc từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, tạo ra cú hích lớn cho ngành CNHT Việt Nam. Theo đúng tinh thần Nghị quyết 115, Vĩnh Phúc đã ưu tiên phát triển 3 lĩnh vực mũi nhọn là: Sản xuất linh kiện phụ tùng, dệt may – da giày và công nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Đồng thời, Vĩnh Phúc cũng sẽ ưu tiên khuyến khích các DN đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng với chiều sâu, trọng tâm là tăng năng suất lao động, hàm lượng khoa học và công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo số liệu thống kê, đến hết ngày 30/3/2021, các KCN ở Vĩnh Phúc đã thu hút 272 dự án FDI, trong đó 44 dự án DDI thuộc 5 lĩnh vực sản xuất chủ yếu là: sản xuất và lắp ráp ôtô, xe máy; công nghiệp phụ tùng ôtô, xe máy; công nghiệp điện tử, CNHT điện tử; dệt may; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. |
Minh Phương