Hiện nay, PC Hòa Bình đang quản lý, vận hành 07/13 MBA 110kV với tổng dung lượng 423 MVA; 12 đường dây 110kV có tổng chiều dài 239,26 km; hơn 2.652,37 km ĐZ trung áp; 4.448 km ĐZ hạ thế và 2.542 máy biến áp phân phối có tổng công suất đạt 707.188 kVA… đáp ứng cho 270.174 khách hàng sử dụng điện. Tuy nhiên, với đặc điểm là một tỉnh miền núi có địa hình khó khăn, phức tạp, địa bàn trải dài và dân cư phân bổ rải rác nên mỗi khi mùa mưa bão đến, công tác quản lý vận hành lưới điện của Công ty lại gặp phải rất nhiều trở ngại. Cụ thể, vào mùa mưa bão, hiện tượng sạt lở đất đá tại các sườn đồi, bờ suối rất dễ gây ảnh hưởng tới lưới điện do PC Hòa Bình quản lý. Cùng với đó, giông sét cũng chính là hiểm họa gây ra sự cố lưới điện và làm gián đoạn cung cấp điện.
Xác định được những khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện mùa mưa bão, định kỳ hàng năm và đặc biệt là thời điểm trước khi cơn bão số 2 của năm 2024 đổ bộ vào đất liền, PC Hòa Bình đã chủ động xây dựng phương án cấp điện bảo đảm an toàn cho người dân và công trình điện trên địa bàn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các Điện lực trực thuộc tiến hành kiểm tra tổng thể hệ thống lưới điện, để từ đó phân loại, thống kê những tồn tại, khiếm khuyết và chủ động đưa ra các giải pháp khắc phục, củng cố kịp thời nhằm vừa đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện năng, vừa nâng cao tính an toàn của hệ thống điện. Bên cạnh đó, Công ty cũng luôn theo dõi, bám sát các tình huống, đánh giá đúng hiện trạng thực tế, đặc điểm khu vực các tuyến đường dây, vị trí xung yếu để lập phương án xử lý. Đặc biệt, để khắc phục nhanh các sự cố do bão lũ gây ra, PC Hòa Bình còn chủ động đưa ra các tình huống, kịch bản giả định, tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai nhằm chủ động ứng phó và chuẩn bị kỹ lưỡng phương án khắc phục thiệt hại sau thiên tai…
Ứng dụng công nghệ Flycam để kiểm tra khiếm khuyết trên đường dây
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: “Trước khi cơn bão số 2 đổ bộ vào đất liền, PC Hòa Bình đã triển khai công tác kiểm tra tổng thể hệ thống điện, kiểm tra thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp và lập kế hoạch xử lý các tồn tại sau kiểm tra, thí nghiệm. Đồng thời, toàn Công ty còn chủ động hoàn thành sớm việc bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị chống sét và kiểm tra, đo đạc tiếp địa trạm, đường dây để xử lý các vị trí không đạt; Hoàn thành công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên trước mùa mưa bão. Điều này đã, đang và sẽ góp phần đắc lực giúp PC Hòa Bình đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong mùa mưa bão 2024”.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nên hệ thống lưới điện do PC Hòa Bình quản lý đã luôn được đảm bảo vận hành an toàn. Đặc biệt, trong sáu tháng đầu năm 2024, toàn Công ty đã cung ứng hơn 685,63 triệu kWh phục vụ khách hàng, tăng trưởng 11,86% so với cùng kỳ 2023. Qua đó, đã góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, cũng như đảm bảo điện sinh hoạt cho nhân dân.
Trong bối cảnh hiện đang là cao điểm của mùa mưa bão, do vậy, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực vận hành an toàn hệ thống lưới điện, PC Hòa Bình sẽ tiếp tục chú trọng tới việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn cách thức phòng tránh tai nạn điện và an toàn điện trong nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng.
Tuyên truyền tới người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả
Cụ thể, Công ty sẽ chỉ đạo các Điện lực trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trên địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, cũng như khắc phục các khiếm khuyết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra định kỳ hệ thống đường dây và trạm biến áp, khi phát hiện các vi phạm an toàn hành lang lưới điện, công nhân ngành Điện Hòa Bình sẽ thực hiện ngay biện pháp tuyên truyền trực tiếp tại chỗ nhằm kịp thời ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn điện trong nhân dân.
Mặt khác, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, PC Hòa Bình đã và đang nỗ lực tăng cường công tác truyền thông, đồng thời khuyến cáo người dân nên ngắt nguồn điện (tắt cầu dao) trong trường hợp khu vực nhà đang sinh sống bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn, ướt ổ cắm điện và ướt các thiết bị điện. Bởi điều này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ chập điện cục bộ, có khả năng gây tai nạn điện hoặc cháy, nổ. Ngoài ra, người dân cũng cần bố trí lắp đặt đường dây dẫn, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mực nước ngập úng, ẩm ướt đã từng xảy ra trong những năm trước đó; Lắp đặt các thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp. Đặc biệt, người dân cần cắt toàn bộ nguồn điện cung cấp cho các thiết bị điện lắp đặt ngoài trời như: Bảng hiệu, bảng quảng cáo… khi trời mưa to, gió lớn và kịp thời thông báo cho ngành Điện hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện thấy hiện tượng mất an toàn cung cấp điện.
Có thể khẳng định, thông qua việc chủ động khắc phục những tác động của các hình thái thời tiết cực đoan đem lại, kết hợp với tăng cường triển khai công tác truyền thông về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, PC Hòa Bình đang nỗ lực vượt lên khó khăn nhằm quyết tâm đảm bảo cấp điện an toàn phục vụ khách hàng. Đồng thời trở thành nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Trần Thị Thúy Nga