Thứ Bẩy, 23/11/2024 14:16:11 GMT+7
Lượt xem: 1284

Tin đăng lúc 30-09-2021

Xu hướng xuất khẩu ngành Công nghiệp hỗ trợ Da Giày cuối năm sẽ giảm do đại dịch

Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Nhất là từ cuối tháng 5, dịch Covid bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đang gây suy giảm xuất khẩu da giầy của Việt Nam trong các tháng cuối năm.
Xu hướng xuất khẩu ngành Công nghiệp hỗ trợ Da Giày cuối năm sẽ giảm do đại dịch
Xuất khẩu da giày cuối năm sẽ khó khăn do đại dịch Covid-19

Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía nam từ Phú Yên trở vào, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, An Giang… là những địa phương tập trung nhiều DN da giầy lớn trong các khu công nghiệp, đã khiến 90% số nhà máy sản xuất da giầy tại các địa phương này phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”. DN bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.

 

Tại các DN còn hoạt động, sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đứt gẫy nguồn cung nguyên phụ liệu, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiêt lập các biện pháp phòng chống Covid-19, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động. Nhiều lao động đã tự bỏ về quê do sợ bị lây lan dịch bệnh. Khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội đã gây khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới.

 

Trước những trở ngại phòng chống và xét nghiệm dịch bệnh, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam đề xuất, ngành Y tế có thể hỗ trợ xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để phòng chống dịch cho người lao động và gia đình tại doanh nghiệp; tăng cường trang thiết bị và năng lực cho các cán bộ y tế cơ sở. Về việc này, Bộ Y tế có thể hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp trên toàn quốc về quy định test Covid-19 trong nhà máy, doanh nghiệp như: Tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test. Ngoài ra, khi có F0, doanh nghiệp phải khoanh vùng, thực hiện phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày, đồng thời thông báo với địa phương, ngành y tế.

 

Cùng với những khó khăn trên, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các DN xuât khẩu.

 

Tuy khó khăn là vậy, nhưng trong tháng 7/2021, xuất khẩu da giầy vẫn tiếp tục tăng do đơn hàng xuất khẩu tăng trong các tháng đầu năm và các lô hàng đã sản xuất từ các tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại tỉnh phía Nam. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu da giầy tháng 7 tăng 25,5%, trong đó giầy dép tăng 27% và túi xách tăng 18,3%.  Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3%, trong đó xuất khẩu giầy dép đạt 12,14 tỷ USD, tăng 28,2% và xuất khẩu túi xách đạt 2,02 tỷ USD tăng 10%. Tuy nhiên, xu hướng xuất khẩu sẽ giảm xuống trong các tháng cuối năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19.

 

Theo đánh giá của Hiệp hội Da giầy Túi xách Việt Nam, trong những tháng cuối năm 2021, ngành Da giầy vẫn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức do dịch COVID-19 đang phức tạp ở khu vực phía Nam. Điều này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng. Điều mà các doanh nghiệp Da giầy lo ngại chính là giãn cách kéo dài trong khi chưa thể mở cửa sản xuất, khách hàng không thể chờ đợi và rục rịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác.

 

Trong tình hình đó, thời gian tới, các doanh nghiệp da giầy cần tiết giảm chi phí, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và lực lượng lao động, để sau khi đại dịch được khống chế có thể phục hồi ngay sản xuất và xuất khẩu, tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định FTA (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA). DN phải đặc biệt lưu ý các biện pháp phòng tránh Covid-19 theo hướng dẫn của Chính phủ và các địa phương đối với các các khu công nghiệp, để giảm thiểu thiệt hại cho mình.

 

Minh Vũ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang