Thứ Sáu, 26/04/2024 19:32:08 GMT+7

Tin đăng lúc 25-11-2016

Lượt xem: 3552

Để Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phát huy hiệu quả tối đa

Đưa hàng Việt về nông thôn là giải pháp tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, cơ hội để hàng Việt Nam đứng vững tại địa bàn nông thôn cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn.
Để Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phát huy hiệu quả tối đa
Phiên chợ hàng Việt của Tổng công ty Hapro tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội

Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” giai đoạn 2014 – 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634 ngày 29/4/2014, tiếp nối thực hiện cuộc vận động, thời gian qua Bộ Công Thương đã chỉ đạo hỗ trợ các địa phương, DN tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn.

 

Hiệu quả từ các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn

 

Trong những năm qua, nhiều địa phương trong cả nước đã phối hợp với các doanh nghiệp trực tiếp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn hoặc thông qua những hoạt động cụ thể để kết nối người tiêu dùng nông thôn với các DN Việt. Cụ thể, ở một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Nam Định, TP.HCM… đã có sự liên kết với hệ thống phân phối tại địa phương để tạo ra chuỗi đưa hàng hóa về nông thôn. Đặc biệt, ở TP.HCM, Siêu thị SaiGon Coopmart đã tổ chức nhiều chuỗi cửa hàng của liên minh các hợp tác xã và đem lại kết quả tốt; tại Nam Định, xe bus miễn phí đã về tận các huyện nông thôn đưa người tiêu dùng lên thành phố vào Siêu thị BigC để mua sắm. Tại Quảng Ninh, tỉnh có nhiều huyện biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như Đầm Hà, Bình Liêu…, nên hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc chiếm hơn 40% và được bày bán tràn lan tại các chợ. Những mặt hàng này phần lớn đều đóng trong những túi to, không ghi ngày sản xuất, nơi sản xuất, người dân địa phương cho biết sử dụng hàng hóa Trung Quốc không an toàn, nhưng không còn sự lựa chọn khác, bởi hàng VN được bán ở địa phương rất ít, chỉ có những gia đình có điều kiện mới về thành phố Hạ Long để mua được hàng VN về sử dụng.

 

Bà Trần Thị Hồng (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) chia sẻ: “Tại các Hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, gia đình tôi chủ yếu mua đồ ăn, nước mắm, nói chung cái gì dùng được là tôi mua hết, nước mắm ở đây dùng ngon, yên tâm, không giống như ngoài chợ, giá cả lại hợp lý, mong mỗi năm sẽ có 2 đợt đưa hàng Việt về với huyện chúng tôi”.

 

Gần đây, thông qua việc đưa hàng hóa về nông thôn, các DN, hệ thống phân phối đã bắt đầu nghiên cứu được những chuyển biến về nhu cầu tiêu dùng ở nông thôn, để có thể tổ chức cung ứng các mặt hàng cho thị trường nông thôn được tốt hơn. Trên thực tế, những năm qua, nhiều mặt hàng Việt có chất lượng cao đã khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong tâm tưởng người tiêu dùng như: Nước mắm, tương ớt Trung Thành; mỹ phẩm Mỹ Hảo; bánh kẹo Kinh Đô; bóng đèn phích nước Rạng Đông; giày Thượng Đình… Điều này đã thay đổi được ý thức DN Việt thấy được sự cần thiết và hiệu quả trong việc đưa hàng hóa về nông thôn.

 

Đưa hàng Việt về nông thôn – cần có những giải pháp cụ thể

 

Theo báo cáo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, thị trường người tiêu dùng nông thôn đang rất tiềm năng đối với ngành bán lẻ. Nhu cầu tiêu dùng của nhóm người dân ở nông thôn đang dần thay đổi theo hướng tiện ích, hiện đại và tiệm cận với nhu cầu như người tiêu dùng thành thị. Kết quả khảo sát cho thấy, với dân số nông thôn chiếm tới 70% trong tổng dân số Việt Nam, nhưng thời gian qua doanh số bán lẻ cho thị trường nông thôn mới chiếm từ 14-15%, mà lẽ ra phải là 27% trên tổng doanh số bán lẻ của thị trường Việt. Cũng trên nghiên cứu này, mức tăng trưởng bình quân đầu người ở thị trường nông thôn là 12% về giá trị và 9% về lượng. Nghiên cứu một cách bài bản thì số lượng gia đình, cá nhân có thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng ở nông thôn đã tăng nhanh, trong đó 95% gia đình được hỏi có nhu cầu mua sắm ti vi thế hệ mới; 92% muốn mua sắm bếp điện; 33% muốn mua radio và 99% muốn mua máy vi tính. Điều đáng lưu ý là 59% số người được hỏi thì họ sẵn sàng mua hàng giá rẻ, nhưng 77% người được hỏi lại muốn mua hàng có đặc tính mới lạ. Những con số trên cho thấy tiềm năng tại thị trường nông thôn hiện đang còn lớn và đòi hỏi các DN phải ý thức được điều này để nắm bắt chặt chẽ, nhằm đưa hàng Việt về nông thôn được nhiều hơn.

 

Việc tổ chức các chuyến hàng về nông thôn chưa phải là kênh cung cấp hàng hóa lâu dài, ổn định cho người dân nông thôn, vậy công tác quy hoạch mạng lưới tiêu thụ ở các vùng nông thôn cần được xúc tiến nhanh trong khi hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn đang bị bão hòa. Chính vì thế, để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phát huy được hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể.

 

Theo ông Vũ Vinh Phú – Chỉ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Trước hết chúng ta phải nhận thức rõ tiềm năng ở thị trường nông thôn còn rất lớn, về dân số, về sức mua, đặc biệt là chúng ta kích thích được sức mua và hệ thống phân phối còn đang yếu kém, vì vậy cần phải có công tác quy hoạch. Việc làm cụ thể đó là phải vẽ ra bản đồ hàng Việt ở nông thôn, chỗ nào còn trống vắng, có thể hỗ trợ chính sách được về vốn, nhân lực, đào tạo. Bán hàng không đơn giản là đưa đến, mà còn phải tuyên truyền, marketing về hàng Việt, giá cả cạnh tranh phải gắn kết với sản xuất để phục vụ bà con. Cần nâng cấp cơ sở vật chất thị trường nông thôn, các chợ nông thôn, Nhà nước nên có đầu tư để tạo điều kiện cho người mua, người bán gặp nhau, các hệ thống, cửa hàng tạp hóa của cá nhân ở thị trường nông thôn cũng cần phải tận dụng, chứ không phải bày binh bố trận ở các siêu thị lớn, như vậy không đạt được ngưỡng doanh số mà chúng ta phải bỏ ra lớn, điều này cần phải khắc phục. Dư địa ủng hộ cho các siêu thị ở địa bàn nông thôn không có nhiều mà bản thân các DN phải tìm những biện pháp hữu hiệu để vươn tới thị trường nông thôn trong khi ở thành phố, các DN trong nước và nước ngoài, DN trong nước với nhau, giữa hàng giả và hàng thật đang có sự cạnh tranh về bán lẻ rất mạnh mẽ”.

 

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua một số mặt hàng của Trung Quốc đã “đội lốt” hàng Việt để tiêu thụ được trên thị trường VN. Rõ ràng, hàng VN đã thực sự lấy được lòng tin của người Việt bởi uy tín, chất lượng và giả cả hợp lý. Trong bối cảnh hàng VN đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nước ngoài và khu vực nông thôn không còn là miền đất hứa của hàng Việt, những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn có ý nghĩa quan trọng, mang lại những hiệu quả tích cực và đưa nhiều loại sản phẩm thiết yếu của DN sản xuất trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng nông thôn, vì thế cần sự nỗ lực hơn nữa từ phía doanh nghiệp. Việc đưa các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày do VN sản xuất, phổ cập và chiếm lĩnh các huyện, thị giáp biên giới sẽ nâng cao nhận thức của người Việt dùng hàng Việt và góp phần ngăn chặn vấn nạn buôn lậu qua biên giới.

 

Bảo Kiên (t/h)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang